Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại

Tính toán kỹ hậu quả pháp lý

- Chủ Nhật, 16/12/2018, 09:18 - Chia sẻ
Lần đầu tiên được luật hóa nhưng nhiều quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại trong dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) còn “bỏ ngỏ”. ĐBQH HOÀNG THỊ THU TRANG (Nghệ An) cho rằng, đây là nội dung mới và khó. Do đó, cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ tác động trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và phân tích tình hình, để quy định cụ thể hơn, tránh tình trạng quy định chung chung dẫn đến khó khăn trong áp dụng trong thực tiễn.

Còn nhiều khoảng trống

- Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn với đối với quy định thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Bà đánh giá như thế nào về các quy định này của dự thảo Luật?

- Tôi rất chia sẻ với cơ quan soạn thảo khi xây dựng nội dung này. Thực tế cho thấy, không chỉ khi dự thảo Luật này mà khi xây dựng Bộ luật Hình sự 2015, chế định “pháp nhân thương mại” đã được “nâng lên, đặt xuống”, bàn tới bàn lui, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Đây là vấn đề mới và rất khó. Khó bởi chúng ta chưa có kinh nghiệm thực tế trong xử lý. Nhưng cuối cùng, trách nhiệm hình sự đối pháp nhân thương mại cũng đã được quy định trong Bộ luật Hình sự để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do đó, tôi cho rằng, việc quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại trong dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là rất cần thiết, góp phần xử lý nghiêm tội phạm trong tình hình hiện nay.

Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại là chính sách mới, chưa có tiền lệ, chưa có tổng kết thực tiễn thi hành, trong đó có việc thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại. Tuy vậy, khi nghiên cứu các quy định của dự thảo Luật về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại cho thấy, có nhiều quy định còn chung chung, cơ quan soạn thảo chưa lường hết các tình huống xảy ra trong thực tiễn để quy định vào trong dự thảo Luật. Nếu không được xem xét, bổ sung các quy định liên quan đến chế định này thì sẽ gây khó khăn trong thực tiễn thi hành sau này.

- Điều đó có nghĩa là,quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại vẫn còn những “khoảng trống”, thưa bà?

- Đúng vậy! Một trong những yêu cầu khi xây dựng các văn bản pháp luật là phải bảo đảm tính cụ thể, nhất là với những chính sách mới. Nhưng trong dự thảo Luật này có nhiều nội dung còn bỏ ngỏ, chưa được làm rõ. Đơn cử, trong các Điều 172, 176, 179, 183 về thi hành quyết định thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại quy định: Cơ quan thi hành án hình sự phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, triệu tập người đại diện của pháp nhân thương mại để thông báo quyết định thi hành án. Nhưng dự thảo Luật lại chưa quy định nếu như người đại diện pháp luật của pháp nhân thương mại không đến, cố tình trốn tránh thì sẽ xử lý như thế nào? Trách nhiệm này vẫn chưa rõ ràng.

Hay tại Điều 173, 177, 180, 184, 189 dự thảo Luật quy định: Trường hợp pháp nhân thương mại không chấp hành Quyết định thi hành án thì cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực hoạt động của pháp nhân thương mại thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực hoạt động của pháp nhân thương mại thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu xem xét để ra quyết định cưỡng chế theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực hoạt động của pháp nhân thương mại để phối hợp tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế. Tuy vậy, dự thảo Luật lại không quy định rõ thời gian để các pháp nhân thương mại tự nguyện thi hành án là bao lâu? Không quy định thời gian tự nguyện thi hành án thì căn cứ vào đâu để kết luận là pháp nhân thương mại cố tình không thi hành án để xử lý? Do đó, tôi đề nghị cần có quy định bổ sung quy định này vào trong dự thảo Luật.


Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) phát biểu tại hội trường

Nên áp dụng như giải thể doanh nghiệp

- Dự thảo Luật quy định về thi hành án đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại. Bà đánh giá như thế nào về quy định này của dự thảo Luật?

- Khi pháp nhân thương mại phạm tội chịu các hình phạt: Đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn. Trong đó, tôi quan tâm đến việc giải quyết hậu quả liên quan đến pháp nhân thương mại khi thi hành án đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Bởi quy định này không chỉ ảnh hưởng đến pháp nhân mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều người lao động làm việc cho pháp nhân đó và có thể liên quan đến các chủ thể khác.

Khoản 3, Điều 176 của dự thảo Luật quy định: Việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến pháp nhân thương mại thi hành hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản và các quy định của pháp luật khác có liên quan về doanh nghiệp phá sản. Tôi rất băn khoăn với quy định này của dự thảo Luật.

Theo quy định của Luật Phá sản, thì phá sản là tình trạng doanh nghiệp và hợp tác xã bị mất khả năng thanh toán và bị tòa tuyên bố phá sản theo yêu cầu của các chủ thể liên quan. Vậy, trong trường hợp thi hành hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, khi giải quyết hậu quả có phải thông qua quy trình yêu cầu tòa tuyên bố phá sản nữa hay không, hay đương nhiên sẽ áp dụng các hậu quả như phá sản? Trong trường hợp phải yêu cầu thì ai là người yêu cầu để tuyên bố phá sản, là chủ doanh nghiệp, là các cơ quan liên quan như cơ quan thi hành án hình sự, hay cơ quan quản lý nhà nước? Tiếc rằng, điều này chưa được thể hiện trong dự thảo Luật.

Và, điều quan trọng là theo Luật Phá sản, sau khi mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp và hợp tác xã vẫn được tiếp tục hoạt động kinh doanh nhưng phải chịu sự giám sát của thẩm phán, quản tài viên doanh nghiệp thanh lý, quản lý. Doanh nghiệp cũng có thể xây dựng một phương án để phục hồi kinh doanh. Hay nói cách khác, doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản thì không thuộc trường hợp bị cấm hoạt động vĩnh viễn. Điều này trái hoàn toàn với bản chất hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong thi hành án hình sự. Vì vậy, dự thảo Luật quy định việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến pháp nhân thương mại thi hành hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn theo pháp luật phá sản là hoàn toàn không phù hợp.

- Vậy theo bà, việc giải quyết hậu quả của pháp nhân thương mại thi hành đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì theo trình tự, thủ tục nào là phù hợp?

- Trong trường hợp này, tôi cho rằng, nên áp dụng như giải thể doanh nghiệp là phù hợp. Việc thi hành án đình chỉ hoạt động vĩnh viễn không chỉ ảnh hưởng đến chính pháp nhân thương mại phải chấp hành án mà còn ảnh hưởng đến cả quyền của người lao động, cá nhân, tổ chức có liên quan. Do đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét, tính toán kỹ hậu quả pháp lý khi thi hành đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại. Theo đó, tính toán việc giải quyết việc làm cho người lao động, thanh toán các khoản nợ, vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội, các nghĩa vụ khác của pháp nhân, nhằm tránh gây ra những bất ổn xã hội khi chúng ta áp dụng thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.

- Xin cảm ơn bà!

Hà An thực hiện