Tính liêm chính trong bầu cử

- Thứ Sáu, 20/05/2016, 07:50 - Chia sẻ
Tính liêm chính là một khái niệm không dễ định nghĩa, có thể hiểu nó là một yếu tố quan trọng của một hệ thống chính quyền dân chủ, bảo đảm cho các nguyên tắc dân chủ không bị xâm hại và cuộc bầu cử diễn ra công bằng, tự do và suôn sẻ.

Bầu cử là giai đoạn cuối của một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần có trách nhiệm liên quan. Mỗi cuộc bầu cử đều có người thắng, người thua, nhưng để có được một chiến thắng hợp pháp thì những người tham gia, nhất là đối tượng trực tiếp của những lá phiếu phải tuân thủ chặt chẽ yêu cầu về liêm chính. Điều này sẽ giúp ngăn chặn những ý đồ xấu như lũng đoạn phiếu bầu, sửa đổi kết quả kiểm phiếu...


Người dân Pretoria xếp hàng bầu cử năm 2013 Nguồn: NBCnews

Mỗi ứng cử viên tham gia tranh cử có xuất phát điểm về nền tảng xã hội và chính trị khác nhau tạo ra sự đa dạng cho cuộc bầu cử, nên tính liêm chính phải xác định là một nguyên tắc bất di bất dịch. Các cơ quan thực hiện công tác bầu cử cũng phải đặt tính liêm chính lên hàng đầu và nên có một cơ chế giám sát việc này, có thể là thông qua các cơ quan có chức năng liên đới của Chính phủ, có thể là các tổ chức xã hội và nhất là sự tham gia của các cơ quan truyền thông. Những cơ quan được tham gia giám sát tiến trình bầu cử cũng phải có nguyên tắc bảo đảm tính trung lập và sự liêm chính của họ và thực hiện nhiệm vụ trong khuôn khổ pháp luật.

Một hệ thống cơ quan chức năng và giám sát tốt sẽ dễ dàng phát hiện và đấu tranh hiệu quả với ý đồ gian lận trong bầu cử, bảo đảm tính liêm chính không bị xâm hại. Thường thì các cơ quan tổ chức bầu cử coi trọng và ưu tiên cho việc thiết lập một hệ thống bầu cử sao cho trong đó việc kiểm tra và sắp xếp các hoạt động luôn diễn ra suôn sẻ. Sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống này cũng cần có một cơ chế giám sát, tránh xảy ra trường hợp một khâu nào đó bị ách tắc vì những can thiệp có dụng ý xấu từ bên ngoài. Hiện nay, tại nhiều quốc gia việc giám sát của các đảng chính trị, cơ quan truyền thông, công dân hoặc nhóm công dân thường xuyên được áp dụng cho các kỳ bầu cử. Một cuộc bầu cử càng được giám sát bởi nhiều thành phần xã hội càng bảo đảm được độ tin cậy, tính minh bạch và luật pháp được tuân thủ nghiêm túc.

Để có được một cuộc bầu cử tự do và công bằng, tiến trình bỏ phiếu cũng phải tuân thủ các nguyên tắc dân chủ. Việc đó đòi hỏi các biện pháp và quy tắc bảo đảm tính bí mật của lá phiếu, an ninh của người tham gia bỏ phiếu cùng địa điểm bỏ phiếu. Địa điểm bỏ phiếu cần được thiết lập ở các địa điểm trung lập, lá phiếu cũng cần được thiết kế sao cho không thể giả mạo. Hiện nay, để đa dạng hóa hình thức bỏ phiếu, việc bỏ phiếu qua internet hoặc bỏ phiếu bằng máy điện tử đã bắt đầu được sử dụng ở nhiều nơi. Tại từng điểm bỏ phiếu, ngoài lực lượng quan sát viên trung lập, đại diện các đảng hoặc của ứng cử viên nên có mặt để giám sát cuộc bầu cử.

Đức Huy