VẬN ĐỘNG HÀNH LANG Ở MỸ

Tính hai mặt của vận động hành lang

- Thứ Sáu, 21/06/2013, 08:46 - Chia sẻ
Với ý nghĩa là những hoạt động thúc đẩy chính sách, vận động hành lang vừa là động lực cho phát triển chính trị - kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời cũng có những mặt trái.

Hiệp hội Súng quốc gia (NRA) là tổ chức vận động hành lang hàng đầu ở Mỹ về quyền sở hữu súng đạn

Về lý thuyết và nguyên tắc, vận động hành lang nhằm làm cho hệ thống làm luật và thi hành luật đáp ứng lợi ích của người tiến hành vận động hành lang. Các hoạt động vận động hành lang được tiến hành theo quy trình: các nhóm vận động hành lang Quốc hội phải đăng ký vào cơ sở dữ liệu trung ương và sau đó những người làm lobby tham gia một phiên họp điều trần của các nhà lập pháp để nghe báo cáo, những chất vấn chính thức và không chính thức với các quan chức nhà nước được bầu hay bổ nhiệm. Sau đó, họ gửi những kết quả nghiên cứu hay thông tin kỹ thuật tới các quan chức có liên quan, tìm cách quảng bá một chủ đề, soạn thảo những dự luật có khả năng được đệ trình, tổ chức chiến dịch viết thư gửi các nhà làm luật… Các nghị sỹ sau khi tiếp xúc với những người làm lobby có thể đệ trình các dự luật theo yêu cầu của họ. Và để hoạt động vận động hành lang thu được hiệu quả, một nhà vận động phải hiểu rõ hệ thống chính trị Mỹ, phải có quan hệ tốt với các nhà làm luật và các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ, những nhà tư vấn trong Quốc hội. Chính vì vậy mà có rất nhiều nhà vận động hành lang giỏi lại chính là các cựu quan chức của Chính phủ, những nhà tư vấn trong Quốc hội. Không ai khác, họ là người có nhiều kinh nghiệm và xây dựng được nhiều mối quan hệ sau nhiều năm làm việc và công tác. Ví dụ điển hình là cựu Nghị sỹ Mỹ Bob Livingston đã trở thành nhà vận động hành lang thành công sau khi rời khỏi chính trường. Chỉ trong vòng 6 năm, nhóm lobby do ông thành lập đã phát triển thành 1 trong 12 công ty lobby lớn nhất. Những năm gần đây, không chỉ có những nhóm lợi ích thuê các nhà vận động hành lang để tiến hành vận động cho mình mà ngay cả Chính phủ và các công ty nước ngoài cũng tìm sự vận động theo hướng này. Những nhà vận động hành lang được coi là nhịp cầu nối giữa các nhóm lợi ích và các nhà chính trị, các nhà làm luật và hoạt động chính sách. Hoạt động của họ vừa có tính thuyết phục các nhà làm luật, vừa tạo điều kiện để họ hiểu được quan điểm của các nhóm lợi ích. Người dân Hoa Kỳ, các nhóm lợi ích cần các chuyên gia lobby để có thể nhận được sự chú ý nhiều hơn đối với các lợi ích và mong muốn của mình từ các cơ quan hành pháp, lập pháp; còn bản thân các nghị sỹ Hoa Kỳ cũng thấy các chuyên gia lobby thực sự hỗ trợ họ rất nhiều trong việc thông qua các dự luật và các quyết định quan trọng, bởi tình trạng quá tải về công việc của các nghị sỹ Hoa Kỳ trước yêu cầu cần được điều chỉnh của các quan hệ phát sinh trong xã hội hiện nay. Chính các chuyên gia lobby là người hướng các nghị sỹ Hoa Kỳ đến gần hơn với những bức xúc của xã hội, người dân và những chủ thể có quyền lợi liên quan khác.

Nhóm lợi ích Do Thái tác động lên các quyết sách của Mỹ

Ở Mỹ, những nhóm lobby mạnh nhất là những nhóm đại diện cho lợi ích kinh doanh của các tập đoàn tư bản (chiếm tới 72%): lobby công nghiệp quốc phòng, lobby dầu khí, lobby phục vụ nước ngoài. Chỉ có 8% đại diện cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp, khoảng 5% đại diện cho các nhóm bảo vệ dân quyền, phúc lợi xã hội, 2% đại diện cho người nghèo và 1% đại diện cho những nhóm yếu thế trong xã hội như người già, người tàn tật. Như vậy, số người hành nghề vận động hành lang đại diện cho quyền lợi của giới kinh doanh và doanh nghiệp chiếm số lượng áp đảo. Các nhóm lobby này có một sức mạnh đáng kể trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật ở Mỹ. Mặc dù các nghị sỹ phải chịu sự chỉ đạo của các nhóm đảng phái trong Hạ viện và Thượng viện khi bỏ phiếu, song họ vẫn phải dành sự quan tâm đáng kể đến ý kiến của công luận và của cử tri tại các quận hay bang của mình. Nếu một nghị sỹ nhận được yêu cầu của một số lượng đáng kể cử tri về một vấn đề nào đó, trong lúc ban lãnh đạo đảng yêu cầu vị này phải bỏ phiếu khác đi, thì tiếng nói của cử tri mới là nhân tố chi phối kết quả bỏ phiếu cuối cùng. Khi các nhóm lợi ích cùng kết thành một hiệp hội, có sự liên kết hơn, họ sẽ hình thành một tổ chức vận động hành lang có tính chất chuyên nghiệp. Với các chuyên gia chuyên vận động hành lang dựa vào mối quan hệ tương hỗ giữa các nghị sỹ, tiếng nói của họ sẽ được chú ý hơn trước Quốc hội, khiến Quốc hội khó có thể bỏ qua ý kiến của các liên minh trước những vấn đề chính sách lớn. Hoặc có trường hợp các nghị sỹ phe thiểu số khi cần có tiếng nói ủng hộ thì tiếng nói của liên minh là bằng chứng cho sự ủng hộ rộng rãi đối với quan điểm, chính sách đó.

Như vậy, trên thực tế, lobby ở Mỹ đã và đang là một hoạt động mang tính chính trị - pháp lý - xã hội, có tác động mạnh mẽ đến Quốc hội và Chính phủ Mỹ trong tất cả các công đoạn của quá trình xây dựng pháp luật và hình thành chính sách đối nội, đối ngoại. Hoạt động vận động hành lang ở Mỹ đồng thời còn là sự phản ánh, giám sát, kiềm chế, đối trọng của các nhóm lợi ích và nhân dân Mỹ đối với các cơ quan công quyền. Thêm nữa, đây là một cơ chế quan trọng thể hiện được tính dân chủ rất lớn mà qua đó các công dân Mỹ có thể phản ánh trực tiếp những ý tưởng, nguyện vọng, nhu cầu và quan điểm của mình tới các vị quan chức được bầu. Lobby không phải là một ngành quyền pháp lý mà mang đậm tính chất xã hội, nhưng về bản chất, nó là sự chia sẻ quyền lực giữa Nhà nước và xã hội. Bản chất của “vận động hành lang nhìn chung không phải là xấu…”, tuy nhiên, với muôn màu muôn vẻ của các kiểu vận động mà không có sự kiểm soát chặt chẽ, nó cũng không tránh khỏi việc bị lạm dụng, gây nhiều tệ nạn và tai tiếng.