Sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã ở Nghệ An

Tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả

- Thứ Sáu, 27/09/2019, 07:54 - Chia sẻ
Chủ trương sắp xếp, điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2021; việc thành lập, sáp nhập, đổi tên xóm, khối, bản ở các xã phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thành, thị… là những nội dung được đại biểu tập trung bàn thảo tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVII, nhằm tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ sau sắp xếp

Để việc sắp xếp đơn vị hành chính khoa học, vừa bảo đảm tinh gọn, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo cách sáp nhập xã, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập với 1 - 2 xã liền kề, hoặc sáp nhập một số khối, xóm, bản ở một số xã liền kề vào xã, thị trấn thuộc diện phải sáp nhập để bảo đảm tăng diện tích tự nhiên và dân số… Theo đó, tổng số xã, thị trấn sắp xếp trong năm 2019 trên địa bàn là 39 đơn vị. Sau sắp xếp còn lại 19 xã, thị trấn, giảm 20 đơn vị. Dự kiến sau sáp nhập, bố trí sẽ dôi dư 185 cán bộ, 199 công chức và 306 người hoạt động không chuyên trách.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về chủ trương sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2021, đại biểu Đinh Thị An Phong đề nghị hướng dẫn cụ thể đối với các cán bộ không chuyên trách dôi dư sau sáp nhập và cho phép bổ sung cấp phó đối với các cán bộ chuyên trách cấp xã để tạo điều kiện thuận lợi trong sắp xếp bố trí cán bộ và sát nhập xã… Đại biểu Nguyễn Tử Phương cũng đề nghị cần có lộ trình cụ thể đối với việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi sắp xếp xong, quan trọng nhất vẫn là chế độ, chính sách phù hợp đối với các cán bộ chuyên trách, cán bộ dôi dư. Đại biểu Hoàng Văn Phi đề nghị trong kỳ họp gần nhất, HĐND khẩn trương quyết định một số vấn đề về chế độ, chính sách và bố trí sắp xếp cán bộ.

Trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý cho biết: Hiện, UBND tỉnh đang giao Sở Nội vụ chủ trì xây dựng phương án và dự thảo Nghị quyết về chế độ, chính sách cho các cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, xóm trình HĐND tỉnh trong thời gian tới. “Ngoài số lượng cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, số cán bộ, công chức còn lại sẽ được bố trí, tiếp cận công việc mới phù hợp với năng lực, sở trường… Sau khi sắp xếp các đơn vị cấp xã, quyền và lợi ích của các cán bộ sẽ được bảo đảm tối đa nhất có thể, không để ai vì sắp xếp mà bị mất việc với lý do không rõ ràng, không chính đáng”, ông Lý nêu phương án.


Đại biểu Đinh Thị An Phong phát biểu ý kiến Ảnh: H. Phong

Giảm số lượng hoạt động không chuyên trách ở xóm

Việc thành lập, sáp nhập, đổi tên xóm, khối, bản ở các xã phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thành, thị (Anh Sơn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Quế Phong, Diễn Châu, TP Vinh và thị xã Hoàng Mai) cũng thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo đại diện UBND tỉnh Nghệ An, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 08 ngày 12.7.2019 về việc sáp nhập, đổi tên xóm, khối, bản ở các xã, phường, thị trấn thuộc 14/21 huyện trên địa bàn. Sau khi sáp nhập, toàn tỉnh còn 4.276 xóm, giảm được 1.608 xóm; còn 7 huyện đang thực hiện việc sáp nhập. Theo đó, phương án sáp nhập gồm 4 đơn vị: Anh Sơn, Nghi Lộc, TP Vinh, thị xã Hoàng Mai (sáp nhập lần đầu); có 3 đơn vị thực hiện phương án sáp nhập bổ sung…

Bí thư Thành ủy TP Vinh Phan Đức Đồng đánh giá: Việc sắp xếp, sáp nhập các xóm là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của từng địa phương nhằm tinh gọn lại bộ máy, giảm số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở xóm, tiết kiệm chi cho ngân sách địa phương, nâng cao hiệu quả quản lý đối với cộng đồng dân cư của chính quyền cấp xã… Tuy nhiên, đại biểu Trần Đình Toàn cho rằng: Thực hiện sáp nhập quy mô diện tích, dân số tăng nên công việc của ban cán sự xóm tăng; nguồn phụ cấp không đủ để ban cán sự xóm duy trì các hoạt động tại địa phương. Vì vậy, đề xuất xã hội hóa hỗ trợ nguồn quỹ hoạt động của Ban cán sự thôn, xóm hoạt động. “Bên cạnh đó, sau sáp nhập cần có văn bản hướng dẫn các huyện, xóm, xã trong công tác quản lý, sử dụng, bảo quản nhà văn hóa tránh lãng phí”, ông Toàn đề xuất.

Liên quan đến tiêu chí, điều kiện, quy trình sáp nhập và đổi tên xóm, khối, bản, các thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá: Nhìn chung, UBND các huyện, các xã đã căn cứ các nguyên tắc, điều kiện quy mô số hộ gia đình và các yếu tố đặc thù theo quy định của pháp luật để xây dựng phương án sáp nhập, đổi tên các xóm bảo đảm trình tự, thủ tục quy định trình Sở Nội vụ thẩm định, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh. Mặt khác, về cơ bản, các xóm trong danh mục đề nghị HĐND tỉnh thông qua việc sáp nhập, đổi tên đã đáp ứng điều kiện để sáp nhập, đổi tên… Song, nhiều đại biểu đề nghị UBND tỉnh giải trình, làm rõ việc: Số xóm sau khi sáp nhập nhưng vẫn chưa đạt tiêu chí tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV khá nhiều (chiếm 39%) nhưng việc giải thích yếu tố đặc thù còn đơn giản và chung chung; một số khối, xóm trên địa bàn TP Vinh sau sáp nhập chưa đạt tiêu chí nhưng giải thích do số hộ dân quá lớn, các công trình thiết chế văn hóa không đáp ứng được để nhân dân sinh hoạt cộng đồng là chưa hợp lý…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho rằng: Việc sáp nhập xóm đã được UBND cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện theo đúng nguyên tắc, điều kiện, bảo đảm phù hợp với đa số cử tri. Quá trình sáp nhập, các địa phương đã tính đến các yếu tố đặc thù cũng như các quy trình thủ tục hồ sơ theo hướng dẫn quy định, đặc biệt toàn bộ số xóm sáp nhập lấy ý kiến đã được đa số cử tri, nhân dân đồng tình thống nhất. “Đối với các chính sách, chế độ khác sau sáp nhập, sau khi nghị quyết được thông qua, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương và các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện cụ thể”, ông Quý nhấn mạnh.

HẢI PHONG