Tham vấn Đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai

Tín hiệu đáng mừng

- Thứ Năm, 13/06/2019, 08:06 - Chia sẻ
Hơn 200 ĐBQH đã tham dự hội thảo “Tham vấn ĐBQH về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức vào cuối giờ chiều qua. Một hội nghị tham vấn ĐBQH ở quy mô như vậy, lại được tiến hành ngay ở giai đoạn đầu của quá trình sửa đổi luật có lẽ chưa từng có tiền lệ. Và một hội trường kín chỗ ngồi cũng cho thấy các đại biểu dân cử quan tâm đến việc sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai và môi trường đến mức nào.

Mới vài ngày trước, các ĐBQH bấm nút thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Theo đó, trong vòng một năm tới, Chính phủ sẽ phải tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Chín vào tháng 5.2020.


Các đại biểu tham dự hội thảo Ảnh: Khánh Duy

“Đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân”, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói trong hội thảo chiều qua. Quả vậy, đất đai và môi trường luôn là hai vấn đề nóng, ảnh hưởng sát sườn đến từng người dân và cả cộng đồng, đồng thời đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như tương lai của đất nước. Theo phản ánh của nhiều đại biểu trên nghị trường, bên hành lang QH và trong hội thảo tham vấn, các địa phương rất trông ngóng sửa đổi 2 luật này.

Gần 5 năm triển khai Luật Đất đai đã mang lại một số kết quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người có đất thu hồi, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các cấp chính quyền quan tâm… Tuy vậy, những bất cập và các vấn đề phát sinh cũng không ít. Nguồn lực đất đai chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tới hơn 70%...

Tương tự, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2015, đến nay đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện cho công tác bảo vệ môi trường. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhận thức về bảo vệ môi trường của mọi tầng lớp nhân dân ngày một nâng cao.  Nhưng thực tế cũng cho thấy, cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chưa theo kịp, phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Các loại thuế, phí bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường còn những điểm chưa phù hợp, chưa hướng đến mục đích bảo vệ môi trường như mong muốn của cả nhà quản lý và người dân. Giấy phép trong lĩnh vực môi trường thiếu sự liên thông, tích hợp dẫn đến việc cùng một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục của nhiều bên, nhiều cơ quan nhà nước. Trong khi đó, các vấn đề môi trường diễn biến ngày càng nhanh, phức tạp và khó lường nhưng lại chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh.

Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn mới đòi hỏi những đột phá về chính sách để tạo động lực mới cho phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bài toán sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai đang đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Tại hội thảo chiều qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp những dự kiến sửa đổi, bổ sung ban đầu. Các ĐBQH cũng “xới xáo” vấn đề, bắt đầu từ phạm vi điều chỉnh, nhưng đồng thời khẳng định mục tiêu cuối cùng của việc sửa 2 luật này là nhằm bảo vệ được quyền và lợi ích của người dân.

Vạn sự khởi đầu nan! Mối quan tâm của ĐBQH đối với tiến trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai - thể hiện rõ trong hội thảo tham vấn chưa từng có tiền lệ ngày hôm qua; sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo và các nhà lập pháp trong quá trình hoạch định chính sách là cơ sở để kỳ vọng sau một năm nữa, trên bàn nghị sự QH sẽ có hai dự án luật hoàn thiện nhất, chất lượng tốt nhất, góp phần tạo nên sự thịnh vượng cho đất nước, đáp ứng mong mỏi của cử tri.

Hà Lan