Tìm phương án hợp lý hơn

- Thứ Hai, 13/07/2020, 05:39 - Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) kể rằng, cách đây hơn 10 năm, một doanh nghiệp về Bình Định tuyển người lao động đi làm việc ở Malaysia. Lúc giới thiệu thì nói là đi làm việc ở nhà máy sản xuất bút chì. Nhưng khi người lao động sang đến Malaysia rồi thì bị đưa lên rừng đốt than, làm than, rất khổ sở. Doanh nghiệp lúc đó mới nói rằng, đốt than để làm lõi bút chì, tức cũng là một khâu của sản xuất bút chì.

Mới chỉ là thông tin không rõ ràng như vậy nhưng doanh nghiệp đã đẩy người lao động vào tình cảnh khốn cùng: ở nhà đã vay tiền ngân hàng rồi, đóng tiền ký quỹ rồi, khoản nợ to đùng treo lơ lửng trên đầu rồi, lãi hàng tháng phải trả... thì khổ mấy cũng phải làm, không làm không được. Đó chỉ là một trong vô vàn những ví dụ cay đắng mà người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài phải gánh chịu khi chẳng may giao phó “giấc mơ đổi đời” cho một doanh nghiệp yếu kém, thậm chí là lừa đảo.

Trên thực tế còn có rất nhiều doanh nghiệp do không có điều kiện về tài chính, yếu kém về năng lực nên sau khi được cấp phép hoạt động thì chẳng khác nào “gặt lúa non”, tìm mọi cách khai thác và sẵn sàng ký vào những điều khoản, những hợp đồng không bảo đảm điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động; tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận, kể cả lấy nguồn thu từ người lao động lẫn việc cung ứng nguồn lao động cho những môi trường không tốt ở nước ngoài. Đây cũng chính là nguồn cơn sâu xa dẫn đến những hoàn cảnh thương tâm của người lao động đi làm việc ở nước ngoài như các đại biểu Quốc hội và báo chí đã phản ánh vừa qua.

Theo quy định của Luật Đầu tư, kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành nghề có điều kiện. Thực tế cũng cho thấy, điều kiện và các quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài có được bảo đảm hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chuyên nghiệp, tính tuân thủ pháp luật và cả năng lực tài chính của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này. Vì thế, dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín đã đưa ra những quy định hết sức chặt chẽ đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng là điều dễ hiểu. Chính các đại biểu Quốc hội cũng khẳng định, việc kiểm soát rất chặt chẽ “đầu vào” đối với các doanh nghiệp như dự thảo Luật sẽ sàng lọc và hạn chế được rất nhiều doanh nghiệp yếu kém, lừa đảo.

Câu hỏi đặt ra là, có phải lúc nào các biện pháp quản lý chặt chẽ cũng đem lại hiệu quả tương ứng? Đơn cử như quy định về duy trì vốn chủ sở hữu/vốn điều lệ không thấp hơn 5 tỷ đồng trong suốt quá trình hoạt động, tưởng là chặt chẽ nhưng một mặt vừa có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp (nhất là khi doanh nghiệp đã nộp tiền ký quỹ hoạt động), một mặt cơ quan quản lý nhà nước cũng rất khó giám sát việc doanh nghiệp có duy trì được số vốn này trong suốt thời gian hoạt động hay không.

Hay quy định doanh nghiệp phải có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - tưởng là chuyên nghiệp hóa, tưởng là nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp nhưng thực chất lại không khả thi, gây lãng phí nguồn lực và làm tăng rất nhiều chi phí tuân thủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi lẽ, nội hàm của “bồi dưỡng kiến thức cần thiết” với lao động đi làm việc ở nước ngoài là vô cùng rộng và phụ thuộc vào doanh nghiệp, quốc gia tiếp nhận lao động. Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài làm thế nào có thể tự mình “kham” được hết việc “bồi dưỡng kiến thức cần thiết” này?

Vài ví dụ như vậy để thấy rằng, việc tăng cường các biện pháp kiểm soát “trước” đối với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là vô cùng cần thiết. Nhưng ở từng quy định, từng biện pháp kiểm soát cụ thể phải tiếp tục được phân tích, đánh giá thận trọng, toàn diện. Phải hết sức tránh những quy định, những điều kiện tưởng là chặt chẽ nhưng lại không đem lại hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí là có thể đem lại những tác dụng ngược. Chẳng hạn như việc duy trì vốn điều lệ không thấp hơn 5 tỷ đồng, liệu có làm gia tăng số lượng các doanh nghiệp “gặt lúa non” như các đại biểu đã phản ánh?

Sáng nay 13.7, ngay sau phiên khai mạc Phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Chắc chắn những vấn đề như đã nêu ở trên sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thấu đáo để có thể lựa chọn phương án hợp lý hơn, hiệu quả hơn so với đề xuất của cơ quan soạn thảo.

Nguyễn Bình