Phát hiện, điều trị bệnh tăng huyết áp

Tìm nguyên nhân, giảm biến chứng

- Thứ Ba, 08/09/2020, 05:39 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia y tế, tăng huyết áp là căn bệnh phổ biến ảnh hưởng đến nhiều người, được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì dẫn đến tử vong sớm ngay cả khi không có triệu chứng. Tăng huyết áp phát triển chậm theo thời gian và có thể gây ra hiệu ứng domino dẫn đến những biến cố về sức khỏe rất nguy hiểm, trong đó có đột quỵ. Những nghiên cứu mới cũng cho thấy, những người bị huyết áp cao dễ phải nhập viện và bị tiến triển nặng hơn như phải thở máy, chạy ECMO... nếu mắc Covid-19.

Tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa

Theo Thống kê của Hội Tim mạch học Việt Nam, năm 2015, tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng gia tăng; trên 5.454 người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên) trong 44 triệu người tại 8 tỉnh, thành phố trên toàn quốc mắc bệnh này. Một thống kê khác cho thấy, 52,8% người Việt có huyết áp bình thường; 47,3% bị tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những người bị tăng huyết áp lại có 39,2% không được phát hiện bị tăng huyết áp; 7,2% bị tăng huyết áp không được điều trị; 69% bị tăng huyết áp chưa kiểm soát được.

TS. Vũ Quỳnh Nga - Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho hay, cứ khoảng 2 người lớn thì có 1 người tăng huyết áp, tuổi mắc bệnh đã trẻ hơn nhiều, thậm chí 20 - 30 tuổi đã tăng huyết áp hoặc có biến chứng nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Người có tuổi từ 35 tuổi trở xuống mà bị tăng huyết áp thì được gọi là tăng huyết áp người trẻ. Nhiều trường hợp tăng huyết áp người trẻ không có triệu chứng, tình cờ phát hiện khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Triệu chứng chung thường gặp của người bị tăng huyết áp như không tập trung, mất kiên nhẫn, dễ nóng giận, biểu hiện cảm xúc thất thường, đau đầu, đặc biệt đau đầu vùng chẩm (phía sau đầu) và thường xảy ra vào buổi sáng sớm, cơn bốc hỏa đỏ bừng mặt, xây xẩm, chóng mặt. Tăng huyết áp có 10% có nguyên nhân (người dân cần đến bệnh viện để làm các xét nghiệm chuyên sâu tìm ra nguyên nhân), còn 90% tăng huyết áp vô căn.

Ngăn ngừa phòng tránh biến chứng của bệnh tăng huyết áp.
Nguồn: ITN

Huyết áp của một người được xem là bình thường khi huyết áp lớn nhất (HA max) từ 120 - 129mmHg và nhỏ nhất (HA min) từ 80 - 84mmHg. Tiền tăng huyết áp khi HA max từ 130 - 139mmHg và/hoặc HA min từ 85 - 89mmHg. Một người được chẩn đoán là bị bệnh tăng huyết áp khi HA max từ 140mmHg trở lên và/hoặc HA min từ 90mmHg trở lên.

Theo bác sĩ Khổng Tiến Bình - Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch - Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trước đây, 95% người tăng huyết áp không có nguyên nhân rơi vào nhóm trung niên, người già. Song đến nay, trong số tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, số người trẻ đang tăng dần. Đó là điều đáng báo động. Những yếu tố như uống bia rượu, hút thuốc lá, lối sống không lành mạnh, ít vận động, stress, béo phì… là vấn đề đang được đặt ra với giới trẻ. 

PGS.TS. Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nguyên nhân khiến tỷ lệ tăng huyết áp ngày càng tăng là thói quen ăn mặn. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, thực trạng tiêu thụ muối ở Việt Nam gấp đôi lượng muối khuyến cáo của WHO. Tiêu thụ lượng muối cao như vậy ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe. Trong muối có nhiều natri, khi ăn mặn, lượng muối nhiều hơn cơ thể sẽ tạo cảm giác khát để uống nước, dẫn tới giữ nước trong lòng mạch từ đó làm tăng thể tích tuần hoàn, lúc này tim gắng sức đập và mạch gắng sức tống máu đi, gây tăng huyết áp. Do đó, với người mắc bệnh lý tăng huyết áp, cần phải giảm 30% khẩu phần ăn muối hàng ngày so với khuyến cáo. 

Gây nhiều biến chứng nguy hiểm

TS. Vũ Quỳnh Nga chia sẻ, tăng huyết áp phát triển chậm theo thời gian và có thể gây ra hiệu ứng domino dẫn đến những biến cố về sức khỏe rất nguy hiểm trong đó có đột quỵ. Biến chứng đột quỵ do tăng huyết áp không có bất kỳ một dấu hiệu báo trước nào. Cơn đột quỵ não xảy ra cũng đến rất nhanh và bất ngờ, đột ngột để lại di chứng khôn lường chỉ trong vài phút đến vài giờ nếu không được cấp cứu kịp thời. Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ khá cao với khoảng 30 - 40% bệnh nhân tăng huyết áp. 

Theo các chuyên gia, cơ quan “đích” của tăng huyết áp là tim và mạch máu, nguy cơ tử vong tim mạch tăng gấp đôi khi huyết áp tăng lên theo mỗi nấc 20mmHg huyết áp tâm thu/10mmHg huyết áp tâm trương. Với nhóm bệnh nhân đã phát hiện tăng huyết áp nhưng xem nhẹ, không điều trị hoặc điều trị không dứt điểm theo đích cuối cùng của bác sĩ.. sẽ gặp rất nhiều hệ lụy về sức khỏe. Việc trẻ hóa tăng huyết áp, các biến chứng tim mạch, não, tổn thương đáy mắt, thận… sẽ càng trầm trọng hơn vì thời gian tăng huyết áp diễn ra lâu dài hơn. Tăng huyết áp từ trẻ có thể kết hợp với bệnh lý chuyển hóa khác như rối loạn mỡ máu, tiểu đường, làm biến cố tim mạch rõ ràng hơn.

Theo bác sĩ Khổng Tiến Bình, tăng huyết áp dẫn đến các biến chứng ở não, tim và thận thông qua hai cơ chế chính, cả hai cơ chế này đều liên quan đến việc tăng áp lực ở trong các động mạch. Cơ chế thứ nhất là do ảnh hưởng lên cấu trúc và chức năng của tim và các động mạch. Cơ chế thứ hai là do thúc đẩy sự tiến triển của quá trình vữa xơ động mạch. Cơ chế đầu tiên là hậu quả trực tiếp của huyết áp, trong khi cơ chế thứ hai đòi hỏi phải có sự tương tác với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, quan trọng nhất là tăng cholesterol máu.

TS. Vũ Quỳnh Nga chỉ ra rằng, bằng chứng mới nhất cho thấy những người bị tăng huyết áp không thể kiểm soát hoặc không được điều trị có nguy cơ mắc Covid-19 thể nặng hơn so với những người khác, có nguy cơ bị biến chứng cao hơn những người mắc tăng huyết áp đang được điều trị bằng thuốc.

Hệ thống miễn dịch kém là một trong những lý do khiến những người mắc tăng huyết áp và các vấn đề sức khỏe khác có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn. Ngoài ra, quá trình lão hóa cũng làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, tạo điều kiện cho virus xâm nhập dễ dàng hơn. Theo một số chuyên gia, SARS-CoV-2 có thể gây hại trực tiếp cho tim, gây viêm cơ tim và khiến khả năng bơm máu của tim suy giảm. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong trường hợp bệnh nhân mắc tăng huyết áp.

Đỗ Quyên