Tìm lời giải phát triển nhân lực chất lượng cao

- Thứ Tư, 30/10/2019, 15:59 - Chia sẻ
Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) chính là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Để nắm bắt được thời cơ này, phát triển nguồn nhân lực số với chất lượng cao là nhiệm vụ hàng đầu của các ngành dân số, giáo dục và lao động…

Đánh giá đúng chất lượng nguồn nhân lực

Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Doãn Tú cho rằng, muốn ứng dụng CMCN 4.0 thành công phải có nguồn nhân lực chất lượng cao; cần phát triển và đào tạo ngay nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có thể áp dụng được công nghệ số trong nghề nghiệp cũng như hình thành đội ngũ chuyên gia có thể sáng tạo ra công nghệ số cho những nghề nghiệp đó, nhất là những nghề trong định hướng phát triển của đất nước.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ CMCN 4.0. Theo đó, những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông sẽ chịu tác động lớn, nguy cơ thất nghiệp cao do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng này, nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhưng lại có những công việc mới ra đời.

TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm, Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở II) khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến đến gần hơn với sự xuất hiện ngày càng rõ rệt của trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất và quản lý, vận hành doanh nghiệp. Tương lai của những cỗ máy “làm không công” đang hiện ra rõ hơn, đe dọa trực tiếp vào cơ hội làm việc của nhóm lao động đơn điệu. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Trong báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao. Cũng theo báo cáo này, so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines, xếp hạng gần tương đương Campuchia.


Chất lượng dân số không chỉ nằm ở tiêu chí sức khỏe mà còn ở tri thức và năng suất lao động

Đổi mới nội dung chương trình đào tạo

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình Nguyễn Doãn Tú, việc nâng cao chất lượng dân số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong CMCN 4.0 đã được Đảng đặt trọng tâm trong Nghị quyết 21-NQ/TW. Để hiện thực hóa mục tiêu, Chính phủ đã ra Nghị quyết 137/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21, trong đó hoạch định nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và đặc biệt xác định các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu số ứng dụng công nghệ thông tin. 

Ông Tú cũng khẳng định, trong thời chuyển đổi số, với sự phổ biến của các công nghệ số trong những năm tới đây, người lao động phải hiểu và quen biết với các con số, với dữ liệu, với sử dụng máy tính và các công cụ phân tích dữ liệu được tạo ra trên máy tính, giống như người nông dân quen với cái cày, cái bừa hay người thợ mộc quen với cái cưa, cái đục.

Nói về giải pháp phát triển nguồn nhân lực 4.0, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân GS.TS. Trần Thọ Đạt cho rằng, các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao. Hệ thống đào tạo cả nước cần sớm đổi mới nội dung và chương trình đào tạo nhằm đáp ứng trước những thay đổi từ thực tiễn. Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, một số chuyên ngành và kỹ năng, kiến thức mới cần được các trường nghiên cứu, bổ sung như cơ điện tử; công nghệ thông tin, trong đó, đặc biệt chú trọng lĩnh vực khoa học dữ liệu, an ninh, an toàn thông tin...

Cũng theo GS Trần Thọ Đạt, cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực trong tương lai gần và xa hơn. Đây là nội dung cần được đặc biệt quan tâm, bởi cuộc CMCN 4.0 sẽ có tác động rất lớn tới cơ cấu của nền kinh tế, khả năng suy giảm, thậm chí mất đi của nhiều ngành nghề cũng như sự xuất hiện mới của những ngành nghề trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra, điều này sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm.

Ngoài ra, cần có sự kết hợp giữa Nhà trường - Nhà khoa học - Doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực phục vụ CMCN 4.0. Hiện tại, chủ yếu là phía doanh nghiệp có nhu cầu gắn kết với nhà trường - nhà khoa học, còn nhà trường, nhất là các trường công lập, chỉ tập trung công tác đào tạo chứ chưa chủ động hợp tác với doanh nghiệp.

Tùng Dương