Tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp du lịch

- Thứ Sáu, 07/08/2020, 22:36 - Chia sẻ
Sau 3 tháng “đóng băng” vì dịch bệnh Covid-19, ngành Du lịch tiếp tục gặp vô vàn khó khăn khi đợt dịch lần 2 bùng phát trong cộng đồng. Đây là lý do để Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch”  chiều 7.8 tại Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các Sở quản lý du lịch ở địa phương; Cục Hàng không Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiệp hội du lịch các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vui chơi giải trí, các doanh nghiệp vận tải, hàng không.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, từ ngày 25.7, những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày được phát hiện ở Đà Nẵng và lan sang một số địa phương. Tâm lý e ngại đã khiến nhiều khách du lịch đã hủy tour không chỉ đến khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có dịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TITC

Nhiều địa phương trên cả nước đã phải ra thông báo hỏa tốc đóng cửa nhiều điểm tham quan, khu du lịch, tạm dừng các dịch vụ vui chơi giải trí… nhằm bảo đảm an toàn cho du khách, người dân. Một số địa phương không tổ chức tour, không đón người đến, đi từ vùng có người nhiễm bệnh, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đi đến vùng dịch, không đi du lịch ngoại tỉnh… Có thể nói, doanh nghiệp du lịch đã khó khăn, nay càng thêm khó khăn.

Các hãng hàng không, các doanh nghiệp khách sạn, các nhà đầu tư dịch vụ du lịch vừa trải qua giai đoạn khó khăn, có cơ hội khôi phục một phần dịch vụ lại tiếp tục lâm vào khủng hoảng. Các doanh nghiệp lữ hành cũng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do thực trạng hủy tour hàng loạt và yêu cầu hoàn tiền của khách du lịch.

“Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt của ngành Du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cung ứng dịch vụ có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ, cùng tạo nên sức mạnh, đóng góp vào kết quả chung của ngành Du lịch. Nếu bị yếu hoặc đứt gãy bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi liên kết này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của cả ngành Du lịch”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương đề nghị, cần có sự phối hợp giữa các địa phương trong cả nước nhằm khắc phục khó khăn thời gian tới

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương cũng báo cáo sơ bộ về tình hình hoạt động lữ hành thời gian qua. Theo ông Phương, trong tháng 7 và tháng 8, tỷ lệ hủy phòng khoảng 98 - 100% ở hầu hết các địa phương; Hà Nội hủy 32.000 tour, TP. Hồ Chí Minh hủy 35.000 tour, các doanh nghiệp lớn nhiều đoàn khách đông cũng hủy, gây ra thiệt hại lớn với doanh.

“Để bảo đảm an toàn cho du khách, chúng tôi đề nghị có sự phối hợp giữa các địa phương cùng đồng hành, chia sẻ những khó khăn; kêu gọi các hãng hàng không ngồi lại với các hãng lữ hành để chia sẻ, giảm thiệt hại tối đa, chuyển đổi thời điểm để vào những vùng an toàn...”.

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển đã đưa ra nhiều ý kiến và đề xuất bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp trong việc hoãn, đổi, hoàn, hủy vé máy bay và các dịch vụ du lịch liên quan khác trên tinh thần hợp tác, cùng chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp và khách du lịch.

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn Võ Anh Tài đề nghị, Tổng cục du lịch nghiên cứu xây dựng định khung pháp lý để trong những trường hợp dịch bệnh có thể đảm bảo an toàn cho khách hàng, đồng thời tránh áp lực nặng nề cho doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp đều thiệt hại, các địa phương đã có công văn để phối hợp hỗ trợ, tuy nhiên tình hình vẫn rất nan giải.

“Hàng không cũng cần có chính sách linh hoạt hơn trong các trường hợp bất khả kháng, không nên áp dụng cứng nhắc các quy định gây khó cho doanh nghiệp lữ hành”,

Trong khi đó, theo bà Lê Thúy Hà, đại diện Tập đoàn Flamingo, đơn vị luôn dồng hành cùng doanh nghiệp lữ hành, hoàn phí cho khách tới 1 năm, bảo lưu, giá trị không thay đổi; ưu tiên hàng đầu là đảm bảo nhân lực ngành một cách tối đa, không có cách nào khác là duy trì phục vụ khách.

Bà Hà cũng đề nghị, cần làm thế nào để được hỗ trợ vượt qua khó khăn về du lịch nói chung, khách sạn nói riêng, mong giảm tiền điền cho ngành khách sạn và tiền thuê đất, đây là 2 khoản nặng nhất khách sạn đang phải chịu. Đồng thời, duy trì cảnh quan môi trường để khi dịch lắng xuống có thể đón khách ngay và hồi phục các họat động du lịch.

Hội nghị có sự đóng góp ý kiến của đại biểu đại diện các sở, hiệp hội du lịch địa phương về các phương án ứng phó, khôi phục ngành Du lịch trong thời gian tới, trong đó chú trọng phương án kết nối, phối hợp liên ngành hỗ trợ, chia sẻ cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hồng Hà