Tìm giải pháp quản lý hiệu quả đối với các trường ngoài công lập

- Thứ Sáu, 06/12/2019, 17:49 - Chia sẻ
Tại phiên chất vấn Kỳ họp HĐND tháng 7/2018, HĐND TP đã chất vấn nhóm vấn đề này về quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập và đã có thông báo kết luận cụ thể với nội dung này. Sau hơn 1,5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh sự phát triển khá nhanh của hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập thì công tác quản lý nhà nước với các cơ sở này vẫn còn những hạn chế, vẫn cần chất vấn tiếp tục nhằm tăng sự đồng thuận và tăng cường sự quản lý với lĩnh vực này.

Đặt môn tiếng Anh về đúng vị trí?
Chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT, ĐB Đỗ Thùy Dương (Tổ Cầu Giấy) lấy ví dụ từ bản thân chuyển nhà chỉ vì con có trường tốt đi học. “Vậy chúng ta sử dụng giáo dục để giãn dân tốt hơn hay sử dụng định cư nhà ở để giãn dân, đây là một câu chuyện mà giáo dục không chỉ là giải pháp xã hội mà còn là giải pháp cho tất cả các vấn đề khác?”.
Đại biểu quay trở lại câu hỏi này dành cho Sở QH&KT về câu chuyện ưu tiên nào dành cho giáo dục khi quý vị thiết lập các chương trình thiết kế các TP mới, các đô thị vệ tinh? Thứ hai, Giám đốc Sở GD- ĐT có nói đến chính sách hỗ trợ xã hội hóa giáo dục, có chăng chuyện lạm dụng xã hội hóa giáo dục này để nhà đầu tư kinh doanh tìm kiếm kinh doanh lợi nhuận trong giáo dục.
Tham khảo luật của các nước, đại biểu cho biết, phần lớn giáo dục tư là giáo dục tư phi lợi nhuận, nhưng hiện nay hành lang pháp lý giáo dục tư phi lợi nhuận chưa được hoàn thiện cho nên đang còn quá nhiều giáo dục tư vị lợi nhuận và từ đó dẫn đến thu hút toàn những nhà kinh doanh bất động sản, kinh doanh vàng, bạc thậm chí có những người từng được thụ án chủ nhiệm, làm hiệu trưởng của các trường vì thế dẫn đến vấn đề trường học như chúng ta đã thấy thời gian qua.

“Vậy làm thế nào để kiểm soát và đưa ra những quy chế, quy định về đạo đức nghề nghiệp của những người dẫn dắt các trường học mà chúng ta gửi trẻ con”, đại biểu đặt câu hỏi.
Câu chuyện thứ ba, trong dân có câu “chợ đen giáo dục” tức là lợi dụng khát khao học hỏi của người Việt Nam, nhiều trường, nhiều nơi tổ chức chương trình, đặt nặng hóa chuyện đào tạo tiếng Anh, kỹ năng cho trẻ em mà không đi vào năng lực cụ thể mà nguồn nhân lực trong tương lai cần. Đây là câu chuyện chúng ta cần xem xét về cách thức quản lý, chợ đen giáo dục này theo nghĩa nào để nâng cao chất lượng, đặt tiếng Anh về đúng vị trí của nó chỉ là một công cụ để chúng ta hội nhập thế giới chứ không phải là tất cả chất lượng giáo dục.
ĐB Vũ Mạnh Hải chất vấn, nhiều trường thể hiện cơ sở vật chất bộc lộ yếu kém, mất an toàn, trụ sở một số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo thường được thuê từ nhà dân, không có phòng học, sân chơi đảm bảo diện tích, chưa đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, thiếu nhà vệ sinh, bếp ăn không đủ an toàn thực phẩm… Cùng với đó, công tác sau cấp phép với các cơ sở còn hạn chế, chưa tuyên truyền tốt để phụ huynh lựa chọn trường lớp, công tác quản lý giáo dục trên địa bàn của một số phòng GD&ĐT quận, huyện, của xã, phường còn khó khăn? Đề nghị Giám đốc Sở cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục?
Đại biểu Hoàng Thị Tú Anh chất vấn về việc thực hiện kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn trước được Sở thực hiện thế nào? Báo cáo kết quả của Sở chỉ thống kê các cơ sở giáo dục chứ chưa cụ thể kết quả rà soát thế nào? Sau 1 năm rà soát, tháng 8/2019 xảy ra vụ đáng tiếc tại trường Gate way? Trách nhiệm của Sở thế nào, tham mưu cho TP để giải quết trên toàn TP? Chủ tịch quận Cầu Giấy cho biết thực hiện rà soát tại quận thế nào về kết luận của chủ tọa phiên chất vấn trước, tham mưu TP?
ĐB Phạm Thị Thanh Hương (tổ Ứng Hòa) chất vấn, hiện nay tại các huyện Đông Anh, Chương Mỹ, các cơ sở giáo dục ngoài công lập còn nhiều tồn tại, trong đó cơ sở vật chất chưa đạt yêu cầu, thiết bị dạy học thiếu, chắp vá, các lớp nhóm trẻ mẫu giáo vượt quá số lượng cho phép. Qua giám sát và phản ánh của báo chí, tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục. Đề nghị lãnh đạo các huyện Đông Anh, Chương Mỹ cho biết trách nhiệm thuộc, nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng trên?
ĐB Nguyễn Quang Thắng (Tổ Hoàn Kiếm) nêu, hiện nay, đối với trường ngoài công lập, qua khảo sát, về công tác cấp phép, nhiều cơ sở nhóm trẻ mẫu giáo chưa được cấp phép, chưa có quyết định thành lập nhưng nhưng vẫn mở, trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền chưa kiên quyết đình chỉ các cơ sở này. Tình trạng trẻ vượt quá số lượng theo quy định ở các lớp mầm non khá phổ biến. Đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới?

Nhiều chủ đầu tư trường mầm non còn hạn chế trong nhận thức pháp luật
Trả lời chất vấn, GĐ Sở Giáo dục Chử Xuân Dũng cho biết, Sở GD&ĐT nhận được 7 nội dung hỏi từ các đại biểu, và trong đó các đại biểu quan tâm khá nhiều đến công tác quản lý lớp mẫu giáo mầm non tư thục. Về nguyên nhân một số nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục vẫn thuê địa điểm nhà dân, chung cư để triển khai quản lý và tổ chức hoạt động nhóm trẻ, ông Chử Xuân Dũng cho rằng, tại khu vực đó hệ thống trường mầm non của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó người dân cũng mong muốn con đi học ở nơi phù hợp về thời gian, khoảng cách. Các nhóm trẻ thường phục vụ cho học sinh và các cháu địa bàn lân cận, phần lớn số học sinh thường biến động. Đây chính là lý do mà các chủ đầu tư không muốn đầu tư và định hướng lâu dài cho các công việc. Mà chủ yếu tận dụng thuê lại các phòng học, nhà chung cư, tập thể. Một số chủ đầu tư nhận thức còn hạn chế chưa rõ các quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, thời gian qua, Sở đã triển khai 6 nhóm giải pháp khắc phục tồn tại mà các ĐB đã nêu. Thứ nhất, xác định đây là việc khá là được cử tri quan tâm, năm học 2019-2020 Sở lấy chủ đề đối với cấp học mầm non là tăng cường quản lý nhà nước, chấp hành quy định của pháp luật, kỷ cương trong quản lý của nhóm trẻ, các lớp mẫu giáo mầm non, tư thục, toàn ngành thực hiện phương châm sâu sát cơ sở, kỷ cương trong thực chất và đánh giá. 
Sở đã ban hành các chỉ đạo đối với nhóm trẻ mẫu giáo độc lập tư thục gồm 4 nhóm văn bản tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn các cơ sở tổ chức thẩm định, cấp phép quản lý các nhóm trẻ này. Và 1 văn bản yêu cầu địa phương công khai các nhóm trẻ đã được cấp phép trên trang web, các phương tiện thông tin đại chúng và Sở đã thực hiện việc này, Sở đã công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở. 
Nhóm Giải pháp thứ hai, đẩy mạnh sự phối hợp với các địa phương, Sở xác định vai trò trong phân cấp của các địa phương rất quan trọng, 30 quận huyện thị xã đang quản lý số lượng trường rất lớn, theo tính toán chiếm khoảng 91,7% số các trường học trên toàn địa bàn thành phố nên cần có sự vào cuộc của lãnh đạo các địa phương. Do vậy, Sở đã có hội nghị giao ban đến tất cả các chủ tịch quận huyện thị xã để trao đổi công tác giáo dục đào tạo tại địa phương, thống kê các nội dung, tồn tại hạn chế của các ngành, từng quận, huyện thị xã, trong đó có việc quản lý các nhóm trẻ, quy hoạch mạng lưới trường học của địa phương. 
Đầu năm học, Sở cũng có gửi đánh giá tổng quát công tác quản lý của địa phương đến các bí thư, chủ tịch quận, huyện để nắm bắt, phối hợp với ngành. Thứ ba, năm vừa qua, Sở đã triển khai các đoàn công tác về làm việc với ban thường vụ của quận, huyện thị xã và đã triển khai được 18/30 đơn vị, sự phối hợp đó, thời gian qua, tín hiệu rất mừng, sự phối hợp trong công tác quản lý đào tạo giữa sở và địa phương có chuyển biến khá tích cực.
Nhóm giải pháp thứ 3, Sở hướng dẫn cụ thể các đơn vị việc quản lý cấp phép các nhóm trẻ, Sở còn cần có hướng dẫn cụ thể mang tính chất tập huấn, chúng tôi tổ chức tập huấn 100% các nhóm trẻ bằng hình thức trực tuyến, có mời lãnh đạo các xã phường đến dự để nắm bắt nội dung này. Hai tháng một lần, Sở đã giao ban với trưởng phòng đào tạo quận, huyện, thị xã. Bên cạnh công việc chuyên môn, chúng tôi cũng kiểm đếm các sự vụ liên quan xảy ra trên địa bàn để rút kinh nghiêm. 
Thứ 4 là đổi mới công tác chỉ đạo các phòng giáo dục đào tạo, tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, xây dựng mô hình quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ độc lập tư thục, xây dựng các quy chế phối hợp giữa các cấp, tổ chức đoàn thể và giám sát của địa phương. Thứ 5, tăng cường công tác kiểm tra giám sát của các cấp, hậu kiểm tra cấp phép, sau cấp phép đối với các cơ sở giao dục mầm non và kiên quyết xử lý các vi phạm theo thẩm quyền. 
Thời gian qua, Sở đã kiểm tra được 1090 nhóm trẻ mẫu giáo độc lập tư thục trên tổng số 2678 nhóm trẻ. Trong số 2678 nhóm trẻ này, đã có 2669 nhóm trẻ được cấp phép hoạt động và 9 nhóm trẻ hiện nay đang trong quá trình tuyên truyền, vận động, 9 nhóm trẻ này liên quan đến vấn đề tôn giáo địa phương trong đó Mỹ Đức có 6 nhóm trẻ, Sơn Tây Hoài Đức, Đống Đa mỗi nơi có 1 nhóm trẻ. 
So với cùng kỳ năm trước, tới thời điểm này, tình trạng giáo viên phụ trách lớp không có trình độ chuyên môn không còn, đã giảm 141 nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục có sĩ số vượt quá quy định, kỳ họp lần trước có 558 nhóm trẻ có sĩ số vượt quy định thì hiện nay đã yêu cầu và đã giảm được 141 nhóm trẻ, còn 118 nhón trẻ nữa, chúng tôi tiếp tục có giải pháp cụ thể cùng địa phương có giảm sĩ số học sinh, xử lý đình chỉ giải thể 66 nhóm trẻ, xử phạt 55 nhóm trẻ trong công tác kiểm tra, thanh tra. Cuối cùng là giải pháp truyền thông.
Đây là nội dung rất quan trong, trong công tác truyền thông đến người dân thì tất cả những công việc liên quan đến cấp phép, những nhóm trẻ đã cấp phép và các nội dung quản lý thì chúng tôi yêu cầu đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai nêu các vụ việc xử lý trên các phương tiện truyền thông và ngành đã chủ động tuyên truyền, nêu gương, biểu dương những người, những cơ sở thực hiện tốt, nghiêm túc. 
“Trong thời gian sắp tới, chúng tôi thấy 6 nhóm giải pháp triển khai trong thời gian vừa qua đã bước đầu có chuyển biến tích cực. Chúng tôi sẽ tập trung triển khai 6 nhóm giải pháp này trong công tác quản lý nhóm trẻ mẫu giáo độc lập tư thục và tập trung tăng cường công tác kiểm tra, phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của cán bộ cơ sở, làm tốt hơn việc tập huấn cho cán bộ cơ sở, giúp cho ngành quản lý tốt hơn nhóm trẻ độc lập tư thục”, Giám đốc Sở GD- DT Chử Xuân Dũng cho biết.

P.L