Thảo luận về KT - XH tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội Khóa XV

Tìm giải pháp căn cơ, thúc đẩy phát triển

- Thứ Ba, 02/08/2016, 07:46 - Chia sẻ
Phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội Khóa XV diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn. Các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá kỹ lưỡng những mặt được, những hạn chế, làm rõ nguyên nhân; đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị tập trung giải quyết những tồn tại nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT - XH đã đề ra trong năm và giai đoạn 2016 - 2020.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Nhiều đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành của UBND TP trong  thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT – XH 6 tháng đầu năm. Đồng thời, đánh giá cao các kế hoạch, giải pháp hoàn thành mục tiêu phát triển đề ra trong thời gian còn lại của năm. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, công tác chỉ đạo điều hành đã được đổi mới, quyết liệt, toàn diện, bám sát tình hình thực tiễn. TP cũng đã tập trung xây dựng cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực phát triển, nhờ vậy, bức tranh kinh tế Thủ đô có nhiều gam màu sáng...


Các đại biểu dự Kỳ họp Ảnh: Thanh Bình

Liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), một số ý kiến đánh giá: Mặc dù thời gian qua, TP đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng hành với DN và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, các DN vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của đại biểu Phạm Đình Hoàn (tổ Hoàng Mai), hiện nay sức cạnh tranh của cộng đồng DN Việt Nam rất yếu. Tình hình còn khó khăn hơn, khi Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại quốc tế. Đại biểu Hoàn cho rằng, TP cần tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN. Đặc biệt, thông qua các tổ chức, hiệp hội để DN có thể đứng vững ngay trên sân nhà và cạnh tranh trên trường quốc tế; đồng thời, cần ưu tiên tạo môi trường thuận lợi cho các DN khởi nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, tạo đà cho các DN trẻ phát triển.

Cần “cú hích” xã hội hóa cải tạo chung cư cũ

Nhận thức rõ sự nguy hiểm cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm điều kiện ở tốt hơn cho người dân, Hà Nội đã nỗ lực cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhưng vì nhiều nguyên nhân, kết quả thực hiện của Hà Nội vẫn còn rất chậm. Dưới góc nhìn của Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam, Thủ đô như một bức tranh đẹp. Tuy nhiên, trong bức tranh đẹp ấy, vẫn còn nhiều điểm “gợn”, đó là sự “xấu xí” của những chung cư cũ, xuống cấp. Đại biểu không khỏi băn khoăn khi các nhà đầu tư có tiềm lực thì hầu hết xin đất để xây dựng các khu đô thị, chung cư tại các khu đất vàng. Ngược lại, không nhiều nhà đầu tư thiết tha với đầu tư cải tạo chung cư cũ. Câu hỏi đặt ra, liệu có phải TP đang quá ưu đãi cho các dự án lớn, với diện mạo sang trọng mà quên mất việc ban hành những cơ chế thực sự hiệu quả nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án cải tạo chung cư cũ.

“Trước đây TP đã có các nghị quyết để giải quyết kinh phí, cùng với đó là Luật Thủ đô cũng có những quy định tạo điều kiện kêu gọi nhà đầu tư cùng với TP tham gia cải tạo chung cư cũ. Chúng tôi có rà soát lại các điều kiện, cơ chế của Nghị quyết 17 thì thấy chưa được TP đưa vào áp dụng, hoặc là TP chưa đủ sức để kêu gọi, thuyết phục nhà đầu tư”, đại biểu Nam đánh giá.

Tham gia giải trình về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng thừa nhận, tiến độ cải tạo chung cư cũ đang rất chậm. Đây là câu chuyện phức tạp, Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo nhiều năm nay. Kết quả trong cả nước đều đang phải tập trung để giải quyết. Quá trình cải tạo phải quan tâm đến lợi ích của Nhà nước, DN và người dân.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng khẳng định, TP rất quan tâm đến cải tạo chung cư cũ nhưng cả khách quan, chủ quan còn nhiều vấn đề, đặc biệt là cơ chế chính sách để đáp ứng cả 3 lợi ích, tạo dựng sự phát triển bền vững. Sau khi TP đưa ra quy định cho phép khi cải tạo chung cư cũ được phép xây cao tầng, đã có rất nhiều nhà đầu tư nộp hồ sơ xin được tham gia. UBND TP đang giao các sở, ngành liên quan lựa chọn nhà đầu tư, trình để phê duyệt”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết thêm.  

Sớm ban hành quy chế quản lý, phát huy giá trị di tích, danh thắng

Liên quan đến quản lý di tích, danh thắng trên địa bàn, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Trần Thế Cương đặt câu hỏi: “Hầu hết các di tích trên địa bàn đều được công nhận là Di tích lịch sử cấp TP và cấp Quốc gia. Qua thời gian, nhiều di tích đã xuống cấp. Người dân đề nghị trùng tu, tôn tạo nhưng gặp nhiều vướng mắc khi phải xin ý kiến qua nhiều cấp. Ví dụ tại Đình Vân Trì (Bắc Từ Liêm) để xin Bộ quyết định cho trùng tu phải mất 2 năm. Từ khi xin đến khi được cấp phép thì đình hoàn toàn đổ sập. Đó là bất cập, cần sớm ban hành quy chế trong quá trình quản lý di tích”, đại biểu Cương đề nghị.

Làm rõ hơn vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, TP đã giao cho Sở Văn hóa - Thể thao xây dựng Quy chế quản lý phát huy giá trị di tích danh thắng trên địa bàn. Quy chế này đã được hoàn thiện và đang tiếp tục bổ sung để ban hành sớm trong tháng 8.

MẠNH TUÂN