Tìm đúng điểm đột phá

- Thứ Năm, 30/07/2020, 08:30 - Chia sẻ
Tại Tọa đàm “Đối thoại chính sách về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ban Kinh tế Trung ương và Trung tâm Nghiên cứu các giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) phối hợp tổ chức ngày 29.7, các ý kiến cho rằng việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của nước ta còn chậm và chưa xác định đúng điểm đột phá.

Bao năm vẫn loay hoay tháo gỡ rào cản

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, xây dựng nền kinh tế thị trường là mong muốn từ rất lâu ở Việt Nam và đã được cụ thể hóa bằng hệ thống luật pháp, các văn bản… nhưng khoảng cách từ chính sách đến thực hiện còn xa vời. Nghị quyết, văn bản xây dựng nền kinh tế thị trường không thiếu nhưng chủ yếu vẫn là tinh thần gỡ rào cản trong môi trường kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp mà bao năm qua loay hoay tháo gỡ mãi vẫn chưa xong, trong khi nhiều quốc gia đã chuyển sang giai đoạn quản trị để thuận lợi hóa môi trường đầu tư.

“Việt Nam còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để có trở thành nền kinh tế thị trường đúng nghĩa”, bà Lan nhận xét. Hiện cấu trúc doanh nghiệp gồm 3 khối nhà nước, FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) và tư nhân nhưng chính sách ưu đãi chủ yếu cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. “Trong cơ cấu GDP hiện nay, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI đóng góp phần lớn, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân chưa đến 10% thì làm sao có được nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Thời gian qua, có một số doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh nhưng là nhờ mối quan hệ thân hữu. Nếu không có mối quan hệ, doanh nghiệp rất khó tiếp cận với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và không có cách nào để lớn được”, bà Lan nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khối tư nhân đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành nền kinh tế thị trường nhưng quá trình chuyển đổi quyền sở hữu và hình thức sở hữu diễn ra rất chậm, “suốt 30 năm cải cách vẫn chưa kết thúc”.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm  

Ảnh: Hạnh Nhung 

Cân bằng vai trò của Nhà nước và thị trường

GS.TS. Hoàng Đức Thân, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để phát triển kinh tế thị trường cần đặt ra vấn đề rộng hơn là đổi mới đồng bộ về thể chế chính trị, kinh tế và xã hội. Đây đều là những vấn đề cốt lõi đang vướng mắc. 

Theo ông Nguyễn Đình Cung, chuyển sang kinh tế thị trường - vấn đề không nằm ở thị trường mà nằm ở phía Nhà nước nên Nhà nước phải cải cách và thay đổi tư duy. Những thiết chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp và người dân là mục tiêu cần nhắm vào để cải cách. Ông Cung chỉ rõ, chúng ta hay nói đột phá nhưng "đột" mãi mà không "phá" được do "đột" không đúng chỗ và người "đột" lại không có đủ năng lực. Lâu nay, thường nhận định phải có sự đột phá lớn về thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng đó không phải khâu chuẩn xác vì đây chỉ mới là phần ngọn của vấn đề. Nếu cứ loay hoay ở “điểm nghẽn” này thì sẽ không chuyển đổi được khối doanh nghiệp tư nhân để phát triển kinh tế thị trường. Sự thay đổi của thị trường các nhân tố sản xuất không thể diễn ra nếu Nhà nước không thay đổi, khi vẫn còn sở hữu và kiểm soát thì thị trường không thể vận hành được. Nếu không đột phá đúng chỗ và tìm người đủ năng lực, tìm công cụ hợp lý để đột phá sẽ không thành công.

Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) TS. Lê Đăng Doanh nhận định, trong những báo cáo phân tích các chỉ số về kinh tế thị trường, Việt Nam chỉ vượt trên ngưỡng trung bình một chút, đây không phải là điều đáng mừng. Ở nước ta, nhiều ngành và lĩnh vực, cụ thể là thị trường đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng tiêu chí để đánh giá nền kinh tế thị trường ở đây lại rất thấp. “Cần phải đẩy mạnh gỡ bỏ rào cản trong thể chế, Nhà nước điều hành không can thiệp sâu vào nền kinh tế thị trường, chỉ nắm giữ ngành quan trọng. Bên cạnh đó, tăng trách nhiệm giải trình về những chỉ tiêu một cách công khai, minh bạch”, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

"Nhiều sự tác động của Nhà nước quá cũng dở, mà nhiều thị trường quá cũng không hay, do vậy phải cân bằng được vai trò của cả hai”, TS. Nguyễn Đình Cung tán thành.

Hạnh Nhung