Chính sách và cuộc sống

Tìm đến điểm cân bằng

- Thứ Sáu, 29/05/2020, 06:48 - Chia sẻ
Phía nhà đầu tư luôn mong muốn có một môi trường đầu tư thông thoáng, cơ chế pháp lý linh hoạt hơn, nhất là trong bối cảnh mới của kinh tế và địa chính trị toàn cầu đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Nhưng nếu như thế, luật cần trao quyền nhiều hơn cho Chính phủ, bằng cách đưa ra các nguyên tắc hơn là điều chỉnh các vấn đề cụ thể. Trong khi đó, chất lượng dự án và hiệu quả sử dụng đồng vốn, dù là vốn nhà nước trong đầu tư công, hay vốn nhà nước góp vào dự án PPP, đều rất thấp và gây ra nhiều hệ lụy xấu, khiến đại biểu Quốc hội muốn tăng cường tính chi tiết của các quy định, nhằm kiểm soát chặt chẽ khâu thực thi.

Đối với dự thảo Luật Đầu tư, quy định hay không quy định quy mô dự án cần Thủ tướng phê duyệt tạo ra 2 luồng quan điểm. Các doanh nghiệp nghiêng về kiến nghị Thủ tướng không cần phê duyệt dự án dù quy mô 10.000 tỷ đồng trở lên mà nên phân cấp cho địa phương quy định. Ở chiều ngược lại, lo lắng địa phương có thể không đủ năng lực để quyết định những dự án lớn, có ảnh hưởng như vậy, nhiều đại biểu muốn đẩy thẩm quyền lên Thủ tướng.

Xu hướng kiểm soát hay linh hoạt để trao quyền lặp lại khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật PPP. Chẳng hạn, nhà đầu tư không muốn giới hạn quy mô, lĩnh vực đầu tư PPP; hay về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, nhà đầu tư mong muốn dự thảo Luật chỉ nêu nguyên tắc, còn tỷ lệ cụ thể sẽ được quyết định khi đàm phán hợp đồng PPP bởi mức độ rủi ro của từng dự án, từng lĩnh vực ở từng thời điểm rất khác nhau và khó có thể theo một mức thống nhất. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn muốn quy định cụ thể các lĩnh vực và quy mô đầu tư để tránh các dự án kém chất lượng. Tỷ lệ chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cũng vậy, đại biểu muốn quy định cụ thể để tránh các cơ quan nhà nước khi đàm phán hợp đồng tùy tiện, hoặc tránh rủi ro xin - cho, dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Tìm một điểm cân bằng thỏa mãn được cả hai yêu cầu: Kiểm soát tốt hoạt động đầu tư, không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia mà đồng thời không quá cứng nhắc, làm hạn chế đầu tư là không dễ dàng. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt để thu hút đầu tư, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 như hiện nay thì cần ưu tiên cho phát triển hơn là kiểm soát và hạn chế. Đại diện của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, định chế tài chính lớn, chuyên cấp vốn cho các nhà đầu tư PPP Nhật Bản, quốc gia chiếm vị trí số 2 về đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam hiện nay cũng gợi ý một cách tiếp cận hài hòa cho Chính phủ. Đó là không nên đẩy những quan ngại và mong muốn kiểm soát đi quá xa và hạn chế các công cụ bảo vệ nhà đầu tư, bởi điều đó sẽ làm nhụt chí những nhà đầu tư chất lượng cao.

Vì vậy, cần một quyết tâm lớn từ cả Quốc hội và Chính phủ để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư theo hướng Quốc hội trao quyền, cho không gian rộng hơn về khả năng ra quyết định cho Chính phủ, cho địa phương, đồng thời Quốc hội tăng cường giám sát thông qua giám sát chuyên đề, các phiên giải trình chất vấn cũng như sử dụng hỗ trợ từ Kiểm toán Nhà nước. Nếu Quốc hội cùng san sẻ gánh nặng giám sát cho Chính phủ, chắc chắn mục tiêu kép - thúc đẩy đầu tư mà vẫn có dự án tốt, không lãng phí ngân sách là hoàn toàn có thể đạt được.

Sa Nam