Thủ tướng Nhật Bản thăm Mỹ

Tìm chỗ đứng trong “ván cờ” hạt nhân

- Thứ Năm, 07/06/2018, 09:09 - Chia sẻ
Diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, bên cạnh các vấn đề song phương được đánh giá là khá mờ nhạt, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được đánh giá là cơ hội để Tokyo tìm kiếm vai trò trong “ván cờ” hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Nguy cơ bị gạt sang bên lề

Còn nhớ tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Donald Trump ngày 18.4 ở Palm Beach, Florida, Thủ tướng Abe nói hai người đã “hoàn toàn” nhất trí giữ “áp lực tối đa” lên Bình Nhưỡng. Vào thời điểm đó, ông Abe đã rất tự hào và tin rằng mình đã thúc ép được ông Trump tối đa hóa áp lực lên Triều Tiên.

Nhưng tình hình đã thay đổi ngoạn mục trong những tháng gần đây, mà mới nhất là việc ngày 1.6, ông Trump tuyên bố không muốn dùng cụm từ “sức ép tối đa” nữa, vì Mỹ và Triều Tiên đang “hòa thuận”. Sau bình luận này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã phải sửa lại bài phát biểu của ông ngày 2.6 tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Trong một tháng qua, lãnh đạo Triều Tiên đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In 2 lần, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 2 lần và dự kiến gặp Tổng thống Trump ở Singapore ngày 12.6. Cũng có đồn đoán ông Kim sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tương lai không xa. Nếu như vậy, Thủ tướng Abe có thể sẽ là nhà lãnh đạo duy nhất trong số những nước từng tham gia đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, không tiếp xúc với Triều Tiên.

Trước đó, Hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn nguồn tin từ nhiều quan chức ngoại giao Trung - Mỹ tiết lộ, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump hôm 9.3 tức là chỉ sau đúng 1 ngày nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề xuất về một cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất xây dựng Khung an ninh mới gồm 4 quốc gia Trung - Mỹ - Hàn - Triều, trên cơ sở đó tiến hành đàm phán ký kết Hiệp định hòa bình giữa 4 quốc gia. Cơ chế duy nhất được cộng đồng quốc tế thừa nhận trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện nay là đàm phán 6 bên, bao gồm: Mỹ - Trung - Triều - Hàn - Nhật - Nga. Tuy nhiên, cơ chế này đã bị đình chỉ năm 2009 do nhiều nguyên nhân.

Những diễn biến trên khiến Nhật có cơ sở để lo ngại bị gạt ra bên lề cuộc chơi trong “ván cờ” hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Và đây sẽ là mục đích chính chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Shinzo Abe. Nhiều khả năng ông Abe sẽ tìm cách thuyết phục ông chủ Nhà Trắng đề cập vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc những năm 1970 và 1980, vốn được nhà lãnh đạo Nhật Bản xem là một trong những vấn đề chính trị quan trọng nhất đối với chính quyền của ông, trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới với ông Kim Jong-un.

Mặt khác, Nhật Bản cũng nỗ lực nhắc nhở Mỹ về Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân của Triều Tiên và tìm kiếm cam kết mạnh mẽ của Mỹ về việc gia tăng vai trò vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Á. 


Tổng thống Donald Trump tiếp Thủ tướng Shinzo Abe tại Nhà Trắng

Hâm nóng quan hệ song phương

Bên cạnh sứ mệnh để không “ngoại đạo” trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Thủ tướng Abe cũng muốn củng cố mối quan hệ đồng minh có vẻ đã qua “thời kỳ trăng mật”. Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump đã xây dựng quan hệ gần gũi với Thủ tướng Abe. Trước chuyến thăm này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có hai chuyến thăm chính thức Mỹ, cho thấy ông xem mối quan hệ đặc biệt này là bằng chứng cho sức mạnh liên minh Mỹ - Nhật, góp phần bảo đảm an ninh cho chính Nhật Bản.

Nhưng những chính sách ngoại giao cũng như kinh tế khó lường của Tổng thống Trump dường như khiến Nhật Bản thấy bất an và đang phải vất vả để thích nghi. Thời gian gần đây, có hai sự kiện ảnh hướng lớn tới quan hệ thương mại giữa hai nước. Thứ nhất, Nhật Bản, đồng minh lớn duy nhất của Mỹ, bất ngờ bị gạt ra ngoài danh sách các quốc gia được chính quyền Trump tạm miễn trừ hàng rào thuế quan mới đối với thép và nhôm. Thứ hai, Tổng thống Trump rút khỏi việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Sự phớt lờ của Mỹ đối với Nhật về miễn trừ thuế thép và nhôm có thể là chiến thuật để buộc Tokyo phải bước vào đàm phán thỏa thuận tự do mậu dịch với Washington. Chính vì vậy, một mục tiêu quan trọng trong cuộc gặp của Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump, ngoài vấn đề Triều Tiên, chính là thảo luận khả năng tiến tới thỏa thuận mậu dịch tự do song phương. Mỹ muốn giảm thâm hụt thương mại lên đến 70 tỷ USD với Nhật Bản; trong khi Nhật muốn Mỹ miễn trừ áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Nhật Bản.

Hải Hồ