Góc nhìn

Tiêu chí “chấm điểm” bộ trưởng

- Thứ Hai, 17/02/2020, 07:41 - Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo các bộ về việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và các luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2020, trong đó có xác định trách nhiệm của bộ trưởng. Đây được đánh giá là quyết tâm rất lớn của người đứng đầu Chính phủ trong việc nói không với “nợ đọng” văn bản hướng dẫn.

Tính đến thời điểm này, các bộ, ngành vẫn còn “nợ” đến 20 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Những văn bản này thuộc trách nhiệm soạn thảo của 6 bộ, gồm các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tư pháp, Y tế, Thanh tra Chính phủ. Để chấn chỉnh tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ cần khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ các nghị định chậm nhất trước ngày 1.3.2020 để hoàn thiện thủ tục ban hành trước ngày 15.4.2020. Riêng Bộ Công an đối với một số văn bản phức tạp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trước ngày 15.3.2020; ban hành thông tư trước ngày 15.3.2020.

Tính đến ngày 1.7.2020 có rất nhiều Luật, pháp lệnh có hiệu lực thi hành và có tới 59 văn bản quy định chi tiết cần phải ban hành để kịp thời hướng dẫn các luật, pháp lệnh này. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ 32 nghị định chậm nhất trước ngày 15.4.2020 để hoàn thiện thủ tục ban hành trước ngày 15.5.2020. Còn đối với các Bộ thì chịu trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền đối với 27 thông tư trước ngày 15.5.2020.

Để đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn, Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp chủ động tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc soạn thảo, trình các văn bản quy định chi tiết của các Bộ, cơ quan, ưu tiên thẩm định nhanh hồ sơ các văn bản quy định chi tiết, đặc biệt là các văn bản đang “nợ đọng”.

Nợ đọng văn bản hướng dẫn dường như đã trở thành căn bệnh chưa có thuốc chữa. Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ cho biết, năm 2017 là năm đã có nhiều cố gắng, không để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, nhưng đến năm 2018 và 2019, số nợ đọng văn bản lại gia tăng. Thực tế cho thấy, Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ cũng có nhiều quyết tâm, đốc thúc để sớm chấm dứt tình trạng này. Tại diễn đàn Quốc hội nợ đọng văn bản hướng dẫn được nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng như là một điểm nghẽn lớn trong công tác xây dựng pháp luật. Đáng tiếc rằng, tình trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫn cho đến thời điểm này vẫn chưa thể nào chấm dứt.

Có rất nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho tình trạng chậm trễ này. Đó là công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong xây dựng văn bản hướng dẫn vẫn còn là khâu yếu. Nhưng còn một nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn đó là do sự “đủng đỉnh” của chính người đứng đầu bộ, ngành. Sự đủng đỉnh này có thể do nội dung văn bản hướng dẫn khó, chưa có thực tiễn để kiểm nghiệm. Ngoài ra, có nguyên nhân được đánh giá là căn bản - đó là có những bộ trưởng, trưởng ngành chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng pháp luật. Điều đáng nói là, cho đến thời điểm này, dù tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn xảy ra kéo dài, nhưng vẫn chưa có bộ trưởng, trưởng ngành nào bị đưa ra xử lý trách nhiệm cá nhân.

Khi nợ văn bản hướng dẫn đồng nghĩa với việc những quy định của luật vẫn bị “treo”, điều này là lực cản không nhỏ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế  - xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc thay vì nhắc nhở công khai, cần có chế tài đủ mạnh để chấm dứt tình trạng này bằng xử lý trách nhiệm cá nhân bộ trưởng, trưởng ngành khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để nâng cao trách nhiệm cá nhân bộ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm tiến độ xây dựng các văn bản pháp luật. Tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trình Chính phủ, UBTVQH và văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là tiêu chuẩn xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ và các cá nhân, tổ chức liên quan năm 2020, Thủ tướng nêu rõ.

Đánh giá, xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu bộ, ngành khi chậm xây dựng văn bản hướng dẫn là điều rất cần thiết, nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong công tác lập quy. Đây cũng là cơ sở để cử tri, nhân dân, đại biểu Quốc hội “chấm điểm” bộ trưởng, trưởng ngành trong thực thi nhiệm vụ. Mong rằng, những chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được thực thi nghiêm. Chỉ khi xác định rõ trách nhiệm cá nhân đối với từng bộ trưởng, trưởng ngành thì tình trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫn mới có thể chấm dứt. 

Hà An