Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Tiếp tục thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian

- Thứ Ba, 18/02/2020, 08:15 - Chia sẻ
Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương, đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, hàng trăm đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, gần 500 đầu mối trực thuộc cấp huyện; 7 tổng cục và tương đương; 81 cục, vụ và tương đương; 73 đơn vị sự nghiệp ở Trung ương; hơn 2.600 phòng và tương đương…

Đây chỉ là một trong số những kết quả rất tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động được báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Nhiều kết quả cụ thể, rõ nét

Báo cáo của ngành tổ chức xây dựng Đảng cũng cho thấy, hiện trên cả nước đã giảm được gần 2.000 đội thuộc chi cục; hơn 4.160 đơn vị sự nghiệp công lập; hơn 2.200 đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm hơn 15 nghìn lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó các cấp so với năm 2017. Một số cấp ủy, đơn vị như Yên Bái, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Tài chính… đã chỉ đạo quyết liệt, đạt kết quả tích cực.

Việc tinh giảm biên chế trong 2 năm gần đây, nhất là năm 2019 đạt kết quả rõ nét. Cụ thể, đã giảm được hơn 236 nghìn công chức, viên chức, tương đương 6,58% so với năm 2015. Biên chế khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội giảm 10,46%. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng Nghị định 68 thuộc Chính phủ quản lý đã giảm hơn 41 nghìn người, trong đó biên chế công chức giảm 6,75%, biên chế viên chức giảm 3,87%. So với năm 2015 cũng đã giảm hơn 25 nghìn người hoạt động không chuyên trách cấp xã, tương đương 12,84% và gần 101 nghìn người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, tương đương 13,88%.


Bộ Tài chính được đánh giá là “điểm sáng” trong thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế
Nguồn: ITN

Báo cáo về kết quả và kinh nghiệm bước đầu tổ chức triển khai thực hiện việc sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của ngành tài chính tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đã sắp xếp, cắt giảm trên 5.368 đầu mối đơn vị từ cấp Trung ương đến cấp tổ, đội tại địa phương, và đã giảm được 4.542 lãnh đạo quản lý. Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW (ngày 25.10.2017 Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và Nghị quyết số 19-NQ/TW (ngày 25.10.2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập) của Trung ương, từ ngày 1.1.2018 đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện sắp xếp, cắt giảm được 2.774 đầu mối đơn vị hành chính và giảm được 2.068 lãnh đạo quản lý… Cùng với việc tinh giảm bộ máy, cải cách và hiện đại hóa ngành, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của Bộ Tài chính cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ...

Với những kết quả trên đây, cùng với Bộ Công an, Bộ Tài chính được đánh giá là hai “điểm sáng” trong thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Thực tế, việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm khoảng 10 nghìn tỷ đồng khi bố trí ngân sách nhà nước năm 2019 cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị, đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên và tăng chi cho đầu tư phát triển. Theo báo cáo của Ban cán sự đảng Bộ Tài chính, chi thường xuyên của cả nước năm 2018 còn 63,3% trong tổng chi ngân sách nhà nước, giảm 1,6% so với năm 2017, tương đương hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở 7%/năm và thấp hơn kế hoạch 2016 - 2020 là dưới 64%. Chi cho đầu tư phát triển từ 19,7% năm 2016 tăng lên 28,8% năm 2018.

Thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị (ngày 24.12.2018 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã), Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 12.3.2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021) và Nghị quyết 32/NQ-CP của Chính phủ (ngày 14.5.2019 ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021), nhiều địa phương trên cả nước đang khẩn trương sắp xếp giảm 5 đơn vị hành chính cấp huyện, 556 đơn vị hành chính cấp xã.

Qua thực tiễn thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, có thể thấy, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được sắp xếp tinh gọn. Chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tế, từng bước khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu

Từ những kết quả đạt được và quá trình triển khai thực hiện, một trong những bài học kinh nghiệm được Bộ Tài chính rút ra, đó là cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến các đơn vị công chức, viên chức toàn ngành; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, coi đây là giải pháp trọng tâm, then chốt nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nội bộ. Trong quá trình thực hiện, cần phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp phải xuất phát từ thực tiễn trên cơ sở kết quả rà soát thực tế tại các đơn vị. “Chúng ta sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, nhưng công việc chuyên môn và nhiệm vụ chính trị phải giữ ổn định, phải hoàn thành”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Với những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tổ chức xây dựng Đảng là đẩy mạnh việc kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị phù hợp với tình hình thực tế, khắc phục cho được khuynh hướng thụ động, trông chờ hoặc chủ quan, nóng vội. Tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.

Cùng với đó là tiếp tục thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian; giảm tỷ lệ người phục vụ; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trong quá trình thực hiện cần làm tốt công tác tư tưởng, giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Xây dựng hệ thống danh mục, bản mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị nhằm thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương, tiến tới trả lương cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm vào năm 2021.

Anh Phương