Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi):

Tiếp tục tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh

- Thứ Năm, 21/05/2020, 15:47 - Chia sẻ
Đây là một trong những yêu cầu được đại biểu Quốc hội nhấn mạnh trong Phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng nay. Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành.

Mở đầu Phiên thảo luận trực tuyến, ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) bày tỏ sự nhất trí với nhiều nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm góp phần hoàn thiện tốt khung khổ pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với sửa đổi Luật lần này.

Cân nhắc việc thay đổi, mở rộng khái niệm doanh nghiệp nhà nước

Về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy định tại Điều 88, theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, đây là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong dự thảo Luật trình Quốc hội đã sửa đổi quy định DNNN bao gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này. Theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết, việc thay đổi khái niệm DNNN như quy định tại dự thảo cần được cân nhắc, vì đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhưng chưa rõ việc đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi này đến hoạt động của các doanh nghiệp sẽ trở thành DNNN theo quy định của dự thảo Luật cũng như việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần vốn góp. “Việc sửa đổi khái niệm về DNNN như dự thảo sẽ liên quan tới nhiều luật, nghị quyết của Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam”, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu vấn đề.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Từ cách nhìn như vậy, ĐB Trần Văn Tiến đề nghị cần xác định hiện tại số lượng doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên và đánh giá tác động cụ thể đến các đối tượng chịu tác động trực tiếp một cách toàn diện. Theo đó, phải đáp ứng yêu cầu không tác động xấu, ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân bảo đảm được nguyên tắc tự chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình, phân biệt rạch ròi quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và giám sát đối với hoạt động của DNNN, không để tiêu cực xảy ra, thất thoát vốn tài sản nhà nước giao cho doanh nghiệp. “Cần quy định chế tài về trách nhiệm với các chức vụ, chức danh trong doanh nghiệp đối với các hoạt động của mình…”, ĐB Trần Văn Tiến đề xuất.

“Thực tế cho thấy, việc quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp hoặc tổng số cổ phần, có quyền biểu quyết của nhà nước tại dự thảo Luật trên 50% chưa bảo đảm sự chi phối của nhà nước đối với các quyết định quan trọng”. Nhấn mạnh điều này, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết phân tích: Chi phối hoạt động của doanh nghiệp bao gồm việc thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên và Nghị quyết của Đại hội cổ đông trong Công ty cổ phần. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số vốn cổ phần có quyền biểu quyết của nhà nước phù hợp hơn, bảo đảm việc chi phối của nhà nước trong quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đồng thời hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên có vốn góp cổ đông khác nhằm tạo thuận lợi trong thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết nói.

Qua giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết nhận thấy, “nếu chọn phương án nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, nếu áp dụng thì chúng ta áp dụng với một số đối tượng doanh nghiệp và cần phải có đánh giá kỹ tác động trước khi tổ chức thực hiện”.

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải quy định về DNNN là doanh nghiệp có trên 50% vốn góp hoặc cổ phần chi phối nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần và góp vốn chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Trung ương. Song một số ý kiến đề nghị cân nhắc khái niệm này vì nó có thể ảnh hưởng đến quá trình quản trị cũng như vấn đề cổ phần hóa DNNN, Cũng có ý kiến đề nghị tỷ lệ có thể nâng lên mức 65% thì có thể coi đó là DNNN. “Hôm nay đồng chí Bộ trưởng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - PV) cũng nêu lên kiến nghị là có thể phân làm hai loại: Loại 100% vốn nhà nước thì có cơ chế quản lý, hoặc loại trên 50% thì có một cơ chế quản lý như ý kiến đồng chí Bộ trưởng cũng là một vấn đề cần phải được nghiên cứu”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Có nên luật hóa hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp?

Một nội dung khác được khá nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận là quy định về hộ kinh doanh. Hiện nay, thống kê cho thấy, nước ta có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, ước tính tổng tài sản 655.000 tỷ đồng, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7.945 triệu lao động, tạo ra 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, tỷ lệ 13% doanh thu của các loại hình doanh nghiệp chiếm khoảng 30% GDP. Với con số này, ĐBQH Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng “rất cần thiết và thống nhất nâng việc quản lý hộ kinh doanh từ Nghị định (cụ thể là Nghị định 78) lên thành Luật để hộ kinh doanh có địa vị pháp lý cao hơn”. Theo ĐB Dương Minh Tuấn, mặc dù hộ kinh doanh là một chủ thể kinh doanh được pháp luật quy định bình đẳng với mọi loại hình kinh doanh khác, tuy nhiên hộ kinh doanh có rất nhiều điểm khác biệt. Đa số hộ kinh doanh hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, tách hộ kinh doanh thành luật riêng việc quản lý sẽ chặt chẽ hơn. Cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ không bao hàm hết nội dung hướng dẫn riêng để quản lý, ĐB Dương Minh Tuấn thể hiện sự thống nhất với quan điểm không đưa vào dự án Luật Doanh nghiệp các điều liên quan đến hộ kinh doanh.

Theo dự thảo Luật, khoản 3, Điều 192a có quy định đối với các hộ gia đình sản xuất nông, lâm ngư, diêm nghiệp, những người bán hàng rong, quà vặt, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không bắt buộc phải đăng ký hộ kinh doanh. “Còn hơi băn khoăn về điều khoản này”, ĐB Dương Minh Tuấn đề nghị Ban soạn thảo điều tra, khảo sát thêm xem hiện nay có khoảng bao nhiêu phần trăm hộ gia đình làm ăn kinh doanh dưới những hình thức này? Như thế nào là thu nhập thấp? Quy định như vậy có tạo ra sự so bì giữa những cơ sở kinh doanh cùng ngành, nghề? Mặt khác, “nội dung này có thể làm cho các hộ giảm động cơ và không muốn phát triển vì nếu phát triển sẽ thành lập hộ kinh doanh và nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ theo quy định”, ĐB Dương Minh Tuấn nói.

Ảnh: Quang Khánh

Trả lời cho câu hỏi có nên quy định hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp hay không, ĐB Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng “không nên”. Trên cơ sở phân tích trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu, ĐB Mai Hồng Hải nêu vấn đề: Hầu như tất cả chúng ta đều thống nhất hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh, nhưng hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp. Việc quy định chung trong Luật Doanh nghiệp, nhưng thực chất là độc lập, hộ kinh doanh chỉ được điều chỉnh trong Chương VIIa. Bên cạnh đó, nội dung quy định cụ thể về hộ kinh doanh trong dự thảo còn sơ khai, tương tự như quy định về đăng ký hộ kinh doanh trong Nghị định 75/2015, đồng thời còn một số điểm không rõ ràng. Ví dụ, dự thảo Luật quy định về hộ kinh doanh, nhưng không đưa ra khái niệm thế nào là hộ kinh doanh? Hộ kinh doanh có thể do các thành viên gia đình cùng đăng ký, nhưng thành viên gia đình theo khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì rất rộng. Thành viên gia đình bao gồm: Vợ, chồng, cha, mẹ đẻ, cha, mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha, mẹ vợ; cha, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha, mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha, mẹ hoặc cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; ông, bà nội, ông, bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại, cô, dì, chú, bác ruột và cháu ruột.

Như vậy, “hộ kinh doanh sẽ là họ kinh doanh”, ĐB Mai Hồng Hải nói, “Luật có quy định về hộ gia đình, nhưng thế nào là hộ gia đình thì không rõ. Hộ gia đình kinh doanh có đồng nhất với hộ kinh doanh không? Trong Bộ luật Dân sự cũng không giải thích khái niệm về hộ gia đình”.

Luật Doanh nghiệp là đạo luật rất quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh doanh ở nước ta, có tác động trực tiếp đến sự phát triển của cộng đồng và doanh nghiệp. Các quy định của đạo luật này thể hiện sự tiên phong, dẫn đầu về tư duy cải cách qua các lần điều chỉnh luật từ phiên bản của Luật Doanh nghiệp đầu tiên năm 1999 đến phiên bản 2005, 2014. Cứ mỗi một lần sửa đổi đều là những mốc quan trọng trong phát triển kinh tế. Đưa ra nhận định này, ĐB Dương Minh Tuấn thấy rằng, trong dự thảo Luật trình Quốc hội lần này, nhiều điều khoản trong Luật cho doanh nghiệp tính tự chủ, sáng tạo, giải quyết nhiều vấn đề bất cập trên thực tiễn. “Tôi tin tưởng và hy vọng đạo luật sẽ tiếp tục tạo ra đột phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và góp phần phát triển kinh tế đất nước”, ĐB Dương Minh Tuấn nói.

Kết luận Phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến, có 2 đại biểu tham gia tranh luận, còn 11 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa phát biểu do không còn thời gian. Trong đó, các đại biểu đều thống nhất với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đóng góp nhiều ý kiến về một số nội dung của dự án Luật.

Về phạm vi điều chỉnh và có quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật hay không, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đa số ý kiến thống nhất là cần tạo điều kiện pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh, song, nhiều ý kiến đề nghị đối tượng hộ kinh doanh nên có một luật điều chỉnh riêng và không nên quy định tại Luật này. Đồng thời, cũng có một số ý kiến đề nghị, nên quy định ngay thành một chương trong dự án Luật này. “Đoàn Chủ tịch thấy còn nhiều ý kiến khác nhau, cho nên sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thông qua hệ thống điện tử đối với 2 loại ý kiến này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Nguyễn Vũ