Tiếp tục khẳng định trong Hiến pháp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND là quyết định sáng suốt và đúng đắn của QH, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân

- Thứ Tư, 04/12/2013, 08:26 - Chia sẻ
ĐBQH CAO SỸ KIÊM (THÁI BÌNH) cho rằng, Hiến pháp (sửa đổi) QH vừa thông qua đã giải quyết được những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện Hiến pháp năm 1992, thể chế hóa được những quan điểm, định hướng phù hợp với tình hình mới của đất nước trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Đặc biệt, việc tiếp tục khẳng định cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND trong Hiến pháp là quyết định đúng đắn và sáng suốt của QH, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

- Tại Kỳ họp thứ Sáu, QH thông qua Hiến pháp (sửa đổi) với tỷ lệ ĐBQH tán thành rất cao. Và sáng 2.12, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt QH ký chứng thực bản Hiến pháp này. Đại biểu đánh giá như thế nào về những nội dung của Hiến pháp (sửa đổi) lần này?

- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) vừa được QH thông qua đã tập hợp, chắt lọc một cách đầy đủ, cặn kẽ và rộng rãi ý kiến đóng góp của quảng đại các tầng lớp quần chúng nhân dân cũng như ý kiến của ĐBQH. Những vấn đề lớn được QH thảo luận, tranh luận sôi nổi trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết của QH về lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như: vai trò lãnh đạo của Đảng; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của QH, các cơ quan trong hệ thống chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân... đã được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tập hợp, tiếp thu, chỉnh lý và giải trình với những lý lẽ rất thuyết phục. Qua thảo luận tại Tổ và tại Hội trường, các nội dung này cơ bản nhận được sự nhất trí cao của ĐBQH.

Có thể nói, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này là cơ hội lịch sử để cải cách thể chế một cách căn bản và có hệ thống nhằm đưa nước ta tiếp tục đổi mới và tiến lên. Bản Hiến pháp (sửa đổi) đã thể chế hóa những định hướng phù hợp với tình hình và các điều kiện mới của đất nước trong giai đoạn chủ động và tích cực hội nhập quốc tế hiện nay. Nội dung của Hiến pháp (sửa đổi) đã giải quyết được những vấn đề, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện Hiến pháp năm 1992 đòi hỏi cần có sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm những định hướng, chủ trương của Đảng được thể chế hóa trong đạo luật gốc của quốc gia. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, khi các điều kiện, nhân tố mới xuất hiện trong tình hình mới hiện nay đòi hỏi Hiến pháp cũng như các quy định trong hệ thống pháp luật nước ta cần có sự sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn, tạo điều kiện để nước ta phát huy tối đa khả năng, tiềm năng về kinh tế cũng như bảo đảm các yếu tố nhằm hội nhập đầy đủ và sâu rộng hơn với thế giới trong thời gian tới.

- Như nhiều ý kiến đã chia sẻ, sửa đổi Hiến pháp là trọng trách lớn lao và cũng hết sức nặng nề mà cử tri và nhân dân tin tưởng giao phó, gửi gắm ở QH, các ĐBQH trong nhiệm kỳ Khóa XIII này..., thưa Đại biểu?

- Các nội dung liên quan tới việc sửa đổi Hiến pháp lần này đã được QH thảo luận, bàn bạc một cách công khai, thẳng thắn và dân chủ. Như trên đã nói, tất cả các ý kiến đóng góp của nhân dân, của ĐBQH đối với Dự thảo đã được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phân tích cặn kẽ, tổng hợp đầy đủ, chắt lọc, tiếp thu và giải trình để hoàn chỉnh bản Dự thảo trình QH thông qua, bảo đảm sau khi được thông qua và có hiệu lực thi hành, Hiến pháp (sửa đổi) sẽ có tính khả thi cao. Theo dõi quá trình sửa đổi Hiến pháp vừa qua, có thể thấy, có lẽ đây là lần đầu tiên bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đưa ra lấy ý kiến nhân dân một cách sâu rộng, bài bản, cụ thể như vậy. Và để triển khai thi hành Hiến pháp (sửa đổi), thời gian tới nhiều văn bản luật, nhất là những luật về tổ chức bộ máy nhà nước cần được sớm xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới.

- Tổ chức chính quyền địa phương là một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm, đóng góp ý kiến trong các phiên thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Và cuối cùng, tiếp thu ý kiến của những người đại biểu của nhân dân, Chương về Chính quyền địa phương trong Hiến pháp QH vừa thông qua đã khẳng định: cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND… Đại biểu có đồng thuận với nội dung này không?

- Đây là quyết định đúng đắn của QH. Bởi, thực tế những vấn đề liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể là HĐND mà chúng ta dự kiến sẽ sửa đổi trong Hiến pháp lần này, chưa đủ chín, vẫn còn trong giai đoạn thí điểm. Việc chúng ta tiến hành thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố hiện nay chưa đại diện được cho hoạt động của tất cả chính quyền địa phương trên cả nước. Trong khi đó, điều kiện mới hiện nay của đất nước đang đặt ra yêu cầu phải phát huy dân chủ, giám sát của nhân dân địa phương thông qua hoạt động của HĐND các cấp một cách mạnh mẽ hơn. Do vậy, việc QH giữ nguyên tổ chức chính quyền địa phương, gồm có HĐND và UBND trong Hiến pháp lần này là rất sáng suốt. Việc tổ chức HĐND đầy đủ ở tất cả các cấp chính quyền sẽ bảo đảm đáp ứng kịp thời và tốt hơn ý nguyện của nhân dân cũng như bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

- Một trong những nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này là tiếp tục thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Bản Hiến pháp (sửa đổi) QH vừa thông qua đã thể hiện được những nội dung này hay chưa, thưa Đại biểu?

- Tất cả quy định trong Hiến pháp (sửa đổi) lần này đã phản ánh sự cố gắng và trách nhiệm của QH trong việc bảo đảm các quyền lợi của người dân, bảo đảm các điều kiện pháp lý để người dân phát huy tối đa quyền làm chủ của mình trong tình hình mới của đất nước. Tất nhiên, mục tiêu dân làm chủ là mốc phấn đấu liên tục, lâu dài mà có lẽ mọi Nhà nước, mọi xã hội và quốc gia trên thế giới đều hướng tới. Chúng ta không thể vội vã hay làm nhanh được mà cần có lộ trình, bước đi phù hợp theo tiến trình phát triển của xã hội, theo sự chuyển động của luật pháp cũng như tập quán của nhân dân. Phát huy dân chủ, dân làm chủ là mục tiêu cao nhất mà chúng ta đã, đang và sẽ phấn đấu để đạt được. Hiến pháp (sửa đổi) vừa được QH thông qua tiếp tục thể chế hóa mục tiêu này, thể hiện qua các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.

Việc Hiến pháp (sửa đổi) lần này tiếp tục khẳng định chế định HĐND trong tổ chức chính quyền địa phương cũng nhằm khẳng định và bảo đảm quyền làm chủ của người dân trong việc có cơ quan đại diện và giám sát cơ quan hành chính nhà nước. HĐND là cơ quan đại biểu đại diện cho quyền làm chủ của dân; là cơ quan tập hợp, phản ánh nguyện vọng của nhân dân. Việc giữ được chế định HĐND trong Hiến pháp sẽ tiếp tục bảo đảm nhân dân có kênh giám sát và có nơi để thực hiện quyền lợi dân chủ của mình.

Thông qua Hiến pháp (sửa đổi) là bước tiến mới, là nhiệm vụ lịch sử của QH nhiệm kỳ Khóa XIII. Thời gian tới, một nhiệm vụ quan trọng nữa là chúng ta cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai quyết liệt, cụ thể và có lộ trình thích hợp các chính sách, pháp luật đã ban hành. Có như vậy, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mới thực sự mang lại bước chuyển tích cực và có kết quả.

- Xin cám ơn Đại biểu!

Thanh Chi thực hiện; ảnh: Q.Khánh