Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Thanh Hóa Khóa XVII

Tiếp tục bứt phá đi lên

- Thứ Ba, 09/07/2019, 08:00 - Chia sẻ
Bên cạnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiều hạn chế, vướng mắc cũng đã được các đại biểu phân tích ‘‘mổ xẻ’’ tại kỳ họp. Trong đó, sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn; tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư trực tiếp, dự án có sử dụng đất còn kéo dài; việc giải quyết các thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu… là những vấn đề cần tập trung thảo luận, chỉ rõ nguyên nhân, thống nhất các giải pháp, giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng cấp, tiếp tục đưa tỉnh bứt phá đi lên nhanh, mạnh mẽ hơn.

Tăng trưởng đột phá

Báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền vui mừng cho biết: 6 tháng đầu năm 2019, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao. Nổi bật, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 22,18%, là mức tăng trưởng đột phá, gấp 2,5 lần cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay và cao nhất trong các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 13.786 tỷ đồng, bằng 52% dự toán và tăng tới 89,4% so với cùng kỳ.


Các đại biểu tham dự kỳ họp Ảnh: Hải Phong

Dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận: Kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn; bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động của một số doanh nghiệp; ô nhiễm môi trường trên địa bàn, nhất là ở một số đơn vị, địa phương, lĩnh vực sản xuất, cơ sở sản xuất kinh doanh xảy ra nghiêm trọng… ‘‘Những vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, đòi hỏi tỉnh phải nghiêm túc đánh giá, xây dựng giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tạo đà phát triển cho những tháng cuối năm và chặng đường phát triển tiếp theo’’, ông Nguyễn Đức Quyền nhấn mạnh.

Trao đổi bên lề kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển năm 2019 mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra, UBND tỉnh cần rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 116 ngày 13.12.2018 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; chỉ rõ những hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài và phát sinh trong 6 tháng đầu năm, trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp và quyết tâm khắc phục… Đồng thời, cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đối với các cấp, các ngành; thực hiện tốt việc phối hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết thủ tục hành chính và tham mưu giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường thanh, kiểm tra công vụ; siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của các đại biểu trong thảo luận, đưa ra giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh: HĐND tỉnh cần tập trung thảo luận, phân tích kỹ, chỉ rõ nguyên nhân, thống nhất các giải pháp, giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng cấp. Trước hết là cho các cơ quan, đơn vị chủ trì và người đứng đầu từng sở, ngành, địa phương, đơn vị để nhanh chóng khắc phục hiệu quả những hạn chế, yếu kém, tiếp tục đưa tỉnh bứt phá đi lên nhanh, mạnh mẽ hơn.

Kiểm tra, đôn đốc bảo đảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư

Tại phiên khai mạc kỳ họp, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn 10% dự phòng vốn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), vốn nước ngoài và điều chỉnh nội bộ kế hoạch trung hạn vốn nước ngoài (đợt 1). Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng, tổng vốn dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 176.996 triệu đồng, gồm: Vốn ngân sách Trung ương đầu tư các chương trình mục tiêu 103.107 triệu đồng; vốn TPCP 25.300 triệu đồng bố trí bổ sung cho các dự án thuộc Chương trình kiên cố hóa trường, lớp mẫu giáo, tiểu học; vốn nước ngoài 48.589 triệu đồng. Đồng thời, điều chỉnh giảm 739 triệu đồng đã giao cho dự án Phát triển cơ sở hạ tầng vùng duyên hải Nga Sơn (do dự án đã có quyết toán được duyệt, không có khối lượng để giải ngân) để bố trí cho dự án Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội TP Thanh Hóa trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020.

Nhiều đại biểu HĐND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh quyết nghị thông qua điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn 10% dự phòng vốn ngân sách trung ương, vốn TPCP, vốn nước ngoài và điều chỉnh nội bộ kế hoạch trung hạn vốn nước ngoài (đợt 1) như đề nghị của UBND tỉnh. Còn đối với số vốn 10% dự phòng còn lại Trung ương chưa phân bổ (860.867 triệu đồng), sau khi Bộ KH - ĐT có quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nước (bao gồm vốn TPCP), vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 và sử dụng 10% dự phòng vốn ngân sách trung ương trong nước, vốn nước ngoài (đợt 2), giao UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh theo đúng quy định.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên cho rằng: Sau khi HĐND tỉnh có nghị quyết thông qua, UBND tỉnh cần khẩn trương giao chi tiết cho các đơn vị, chủ đầu tư triển khai thực hiện theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư. ‘‘Đối với số vốn dự phòng 10% trung hạn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (297.640 triệu đồng): UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu, xây dựng phương án phân bổ chi tiết cho các dự án, trình HĐND tỉnh thông qua, trước khi có quyết định giao kế hoạch chi tiết để sớm triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao chi tiết kế hoạch vốn 10% dự phòng còn lại (860.867 triệu đồng)’’, ông Nguyên kiến nghị.

DIỆP ANH