Chính sách của tân Thủ tướng Nhật Bản

Tiếp nối và điều chỉnh

- Thứ Tư, 16/09/2020, 06:30 - Chia sẻ
Hôm nay, 16.9, Quốc hội Nhật Bản họp phiên bất thường để bầu ông Yoshihide Suga làm Thủ tướng mới sau khi đảng Dân chủ tự do (LDP) đã chọn ông vào chức vụ Chủ tịch Đảng hôm 14.9 thay cho Thủ tướng Abe Shinzo, người vừa từ chức tháng trước vì vấn đề sức khỏe. Là cánh tay phải của ông Abe Shinzo song lại có con đường chính trị hoàn toàn khác, ông Suga được dự đoán sẽ tiếp nối những đường nét chính trong chính sách của Chính phủ trước nhưng sẽ có hướng đi mới của riêng mình.

Kế thừa là lựa chọn khôn ngoan

Phát biểu sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền thay cho Thủ tướng Abe Shinzo, ông Suga ngay lập tức khẳng định: “Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, đây là một cuộc khủng hoảng quốc gia. Chúng ta phải kế thừa và đẩy mạnh các nỗ lực mà Thủ tướng Abe đã thực hiện, qua đó người dân có thể vượt qua khủng hoảng và sinh sống trong an toàn và ổn định”.

Tân Chủ tịch đảng cầm quyền LDP của Nhật Bản Yoshihide Suga

Thông điệp trên cho thấy ông Suga nhiều khả năng sẽ nối tiếp các chính sách của người tiền nhiệm, đặc biệt là chính sách kinh tế mang tên Abenomics của ông Abe Shinzo với 3 trụ cột: Nới lỏng tiền tệ, tăng cường chi tiêu Chính phủ và thúc đẩy cải cách cơ cấu.

Chính sách của ông Suga được dự báo sẽ thiên về tăng trưởng kinh tế như dưới thời Thủ tướng Abe hơn là nỗ lực khắc phục tình hình tài chính đang bị suy yếu của Nhật Bản. Theo ông Suga, “chỉ khi có tăng trưởng kinh tế, Nhật Bản mới có thể thúc đẩy cải cách tài khóa. Điều quan trọng nhất là tạo việc làm và bảo vệ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”.

Trong một chương trình khác cùng ngày, ông Suga tuyên bố có thể xem xét gói ngân sách kích thích bổ sung thứ ba để chống lại sự suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra nếu cần thiết, đồng thời nhấn mạnh rằng Tokyo có đủ nguồn lực. Các thông điệp của ông được đưa ra trong bối cảnh GDP của Nhật Bản quý II.2020 đã chứng kiến tốc độ suy giảm mạnh nhất thời hậu Chiến tranh Thế giới II, thôi thúc Chính phủ Nhật Bản cần làm bất cứ điều gì cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng.

Sự tiếp nối chính sách cũng có thể được nhận thấy ở nhiều lĩnh vực khác, trong đó có các mục tiêu mà người tiền nhiệm chưa thể hoàn thành, bao gồm sửa đổi Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản cũng như giải quyết với CHDCND Triều Tiên vấn đề công dân Nhật Bản mất tích.

Theo giáo sư Christina L.Davis, Giám đốc Chương trình Quan hệ Mỹ - Nhật Bản tại Harvard, Nhật Bản không phải là quốc gia thường xuyên có các cuộc cải cách mang tính cách mạng. Bà nhấn mạnh: “Đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng và bất ổn như hiện nay, một nhà quản lý khủng hoảng ổn định có thể được coi là một tài sản quý giá”.

Những nét riêng

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều có thể làm nên sự khác biệt của “Suganomics” là chính sách tài khóa. Không giống ông Abe, theo đuổi nới lỏng chính sách tiền tệ và kích thích tài khóa mạnh mẽ, ông Suga dễ thắt chặt chính sách tài khóa hơn. Bên cạnh đó, ông cũng duy trì khoảng cách với những người chủ trương tăng chi tiêu công, như cựu cố vấn Satoshi Fujii của ông Abe, người đã kêu gọi cải thiện cơ sở hạ tầng chống thảm họa tự nhiên. Vì vậy, ông Suga được cho là sẽ có bước đi khiêm tốn, kết hợp chính sách kích thích tài khóa với cải cách chi tiêu.

Những dấu hiệu về một sự thay đổi cũng có thể được nhận thấy trong chính sách liên quan đến thuế tiêu dùng. Phát biểu trong một chương trình truyền hình phát sóng tối 10.9, ông Suga đưa ra thông điệp trái ngược hoàn toàn so với tuyên bố trước đó khi cho rằng trong tương lai sẽ cần tăng thuế tiêu dùng từ mức 10% hiện nay để duy trì “sức khỏe tài chính” của Nhật Bản.

Giới quan sát nhận định phát biểu này của ông Suga có thể sẽ vấp phải sự chỉ trích của các đảng đối lập và một số thành viên trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, những người ủng hộ giảm thuế như một biện pháp giúp tăng khả năng chống đỡ của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trước tác động của đại dịch Covid-19.

Thách thức đối ngoại

Ông Suga từng phải đối mặt với nhiều nghi ngờ về sự thiếu hụt kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại. Áp lực sẽ càng lớn hơn bởi cựu Thủ tướng Abe Shinzo là người cũng lập được mối quan hệ thân thiết mang tính cá nhân với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Bộ tứ Kim cương gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ. Đây là điều ít nhà lãnh đạo trên thế giới nào làm được cho đến nay. Bà Mireya Solis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Á - Viện nghiên cứu Brookings, đặt câu hỏi: “Trong trường hợp Tổng thống Donald Trump tái cử, liệu ông Suga có thể lặp lại điều kỳ diệu này một lần nữa hay không?”.

Chính quyền mới của ông Suga cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức về đối ngoại tại khu vực Đông Bắc Á. Quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc đang dần được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là trong việc hợp tác kinh tế. Bên cạnh đó, Tokyo sẽ phải cố gắng hàn gắn mối quan hệ với Hàn Quốc vốn đã rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hợp tác an ninh và kinh tế Nhật - Hàn.

Vì vậy, nếu chính quyền mới của Nhật Bản không thừa kế những hiệu quả mà chính quyền ông Abe đã thực hiện, thì việc gắn kết tiếp tục với chính quyền Mỹ hay nhiều quốc gia khác cũng gặp phải trở ngại lớn. Nhiệm kỳ còn lại của ông Abe chỉ còn 1 năm, ông Suga nếu kế thừa di sản của ông Abe sẽ là bước đi khôn ngoan, còn vội vàng cải cách thì chưa chắc thành công. Đặc biệt, các chuyên gia nhận định rằng trong bối cảnh bất ổn gia tăng tại châu Á do đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị, một người kế nhiệm đi đúng hướng rất có thể chính là điều mà Nhật Bản đang cần.

Đạt Quốc