Nhân ngày Môi trường Thế giới (5.6.2020):

Tiếng nói vì hành tinh xanh

- Thứ Sáu, 05/06/2020, 10:26 - Chia sẻ
Nếu “climate emergency” (tình trạng khẩn cấp về khí hậu) được coi là “từ của năm 2019”, thì Greta Thunberg là cái tên được nhắc đến nhiều nhất năm qua. “Trẻ con không thể làm được gì, có thể không có những hành động lớn lao, nhưng có thể nhắc nhở người lớn hãy làm gương cho trẻ con noi theo”. Đó là những gì cô bé người Thụy Điển thực hiện trên hành trình trở thành chiến binh vì hành tinh xanh.

Hoài bão lớn lao

Trong một tiết học, cô giáo cho cả lớp của Greta xem bộ phim tài liệu về ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương. Trong phim, những chú gấu Bắc cực bị chết đói, còn những động vật khác lâm vào cảnh khốn cùng. Giống như tất cả các bạn trong lớp, Greta vô cùng xúc động và lo lắng. Cô bé khóc từ đầu đến cuối bộ phim. Tuy nhiên, khi bộ phim kết thúc và đèn được bật lên, các bạn bắt đầu nghĩ về những điều khác, trò chơi trong giờ giải lao hay những việc sau khi đi học về và làm bài tập. Greta thì không. Hình ảnh về hành tinh chìm trong rác thải nhựa đã “dính chặt” vào đầu cô bé. Và cô bắt đầu suy nghĩ, bắt đầu hành động.


Cuốn sách "Chiến binh vì hành tinh xanh" kể về cô bé Greta Thunberg

Năm 11 tuổi, Greta bị kết luận mắc chứng bệnh Asperger - hội chứng bị ám ảnh bởi một vấn đề cụ thể nào đó đến mức không thể thoát ra được. Nhưng cô bé lại tin rằng, đó chính là sự khác biệt, là “một món quà” cho sự đam mê và nhiệt huyết để theo đuổi đến cùng mục tiêu của mình. Khi phần lớn mọi người ngày nào cũng bị quá tải với đủ loại câu chuyện, thông tin khác nhau tác động, ảnh hưởng đến cảm xúc và làm họ lo lắng, nhưng họ gần như lãng quên rất nhanh vì bận đắm chìm vào công việc riêng của mình. Ai cũng đều từng có suy nghĩ thực sự quan ngại về vấn đề ô nhiễm, nhưng rồi cuối cùng vẫn không thể tiết giảm tiêu thụ để gìn giữ môi trường. Greta không nghĩ như vậy. Cô bé quan niệm, đen là đen mà trắng là trắng, đúng là đúng mà sai là sai, không thể nói ô nhiễm là sai rồi lại tiếp tục gây ô nhiễm lên hành tinh.

Dù chỉ mới 15 tuổi, Greta Thunberg đã có những suy nghĩ táo bạo. Cô bé muốn cứu môi trường. Lời cảnh báo được chỉ ra, rằng ngôi nhà Trái đất đang cháy, và người lớn, những người có quyền lực, phải hành động một cách có trách nhiệm, vì tương lai của thế hệ trẻ. “Trẻ con không thể làm được gì, có thể không có những hành động lớn lao nhưng có thể nhắc nhở người lớn hãy làm gương cho trẻ con noi theo”.


Từ năm 15 tuổi, Greta đã tạo ra ảnh hưởng tích cực về bảo vệ môi trường. (Nguồn: ITN)

Và cô bé người Thụy Điển bắt đầu hành trình trở thành “Chiến binh vì hành tinh xanh”.

Truyền cảm hứng cho giới trẻ

Ngày 4.6, tại Hà Nội, cuốn sách “Chiến binh vì hành tinh xanh”, của tác giả Valentina Camerimi, do Veronica Caratello minh họa, đã chính thức ra mắt độc giả Việt Nam, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5.6). Một lần nữa, thông điệp từ Greta Thunberg được lan tỏa: “Bạn có thể tạo nên sự khác biệt dù bạn nhỏ bé đến thế nào”...

“Vào mùa hè năm 2018, trên đường đi bộ đến Bộ Ngoại giao ở Stockholm làm việc, tôi thấy một cô bé ngồi trước cổng Quốc hội Thụy Điển, bên cạnh là tấm biển ghi dòng chữ “Bãi khóa vì khí hậu”. Đến ngày thứ ba khi đi ngang qua, tôi liền hỏi cô bé về cuộc bãi khóa. Cô bé chính là Greta Thungberg. Bảy tháng sau, tôi quay lại chính nơi đó, cùng con gái mình, cũng tên là Greta. Và Greta của tôi cũng muốn bãi khóa vì khí hậu. Lần này, có hàng chục thiếu niên, nhi đồng tập trung xung quanh tòa nhà Quốc hội. Cuộc biểu tình một người của Greta Thunberg đã phát triển thành một phong trào quốc tế rộng lớn, trong chưa đến sáu tháng” - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe nhớ lại.


Những thông điệp bảo vệ thiên nhiên và môi trường được Greta lan tỏa suốt mấy năm qua

"Chiến binh vì hành tinh xanh" góp thêm tiếng nói bảo vệ môi trường tại Việt Nam

Theo Đại sứ Ann Mawe, mỗi độc giả cầm trên tay cuốn sách chính là theo chân hành trình của Greta Thunberg, từ khi cô bé nhận thức được cuộc khủng hoảng khí hậu năm lên 8 tuổi, rồi thuyết phục bố mẹ thay đổi lối sống để giảm khí thải nhà kính, cho đến lúc nhận ra rằng cần thực thi các hành động chính trị ở Thụy Điển cũng như trên toàn thế giới. “Cô bé đã truyền cảm hứng cho thiếu niên toàn cầu để chống biến đổi khí hậu. Cuốn sách kể câu chuyện và hành trình của cô, nhưng cũng là của nhiều bạn trẻ khác trên khắp thế giới sẵn sàng chống biến đổi khí hậu và đóng góp cho một tương lai tốt đẹp hơn".

Ngày hôm nay, câu chuyện của Greta mới được kể ở Việt Nam, nhưng những ảnh hưởng từ hành động của cô đã hiện diện trong thế hệ trẻ của đất nước hình chữ S. Nhận định như vậy, ông Shin Umezu, Trưởng Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chia sẻ: “Thông qua cuốn sách, câu chuyện về Greta cho chúng ta thấy và tự hào về hành động của các nhà hoạt động vì môi trường trẻ tuổi. Tôi tin rằng, rồi đây, từ nguồn cảm hứng ấy, các thế hệ thanh niên Việt Nam sẽ càng được khuyến khích để chung tay, tìm kiếm các giải pháp cho thách thức về khí hậu”.

Bài và ảnh: Hải Đường