Xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam

Tiền ít, cần chi tiêu hiệu quả

- Thứ Năm, 21/05/2015, 08:21 - Chia sẻ
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã liên tiếp sụt giảm kể từ tháng 6.2014, trong đó có tháng giảm ở mức hai con số. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này một phần do công tác xúc tiến du lịch kém hiệu quả do thiếu kinh phí.

Yếu về tiềm lực

Nếu so sánh số tiền dành cho xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực sẽ thấy sự chênh lệch lớn. Việt Nam chỉ chi khoảng 40 tỷ đồng/năm (khoảng 2 triệu USD), trong khi kinh phí xúc tiến của Thái Lan là 86 triệu USD, Singapore 100 triệu USD, Malaysia 130 triệu USD/năm. Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia chia sẻ: “Tại các hội chợ du lịch lớn, gian hàng của Việt Nam chỉ lớn hơn Lào, còn lại thua các nước khác trong khu vực. Hoạt động quảng bá tại gian hàng cũng hạn chế. Tất cả đều xuất phát từ nguyên nhân thiếu kinh phí”.

Nguồn lực đã hạn chế nhưng vấn đề là dùng số tiền này sao cho hiệu quả. Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Lê Tuấn Anh cho biết: công tác xúc tiến du lịch hiện mang nặng tính hành chính. Tiền cấp cho xúc tiến theo dự toán ngân sách phải cuối năm mới có để giải ngân. Trong khi đó, nhiều hội chợ xúc tiến quảng bá diễn ra đầu năm như ITB (Berlin, Đức)... Để có tiền, Tổng cục Du lịch phải ghi nợ, doanh nghiệp ứng tiền trước, quyết toán sau. Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định, việc quảng bá hình ảnh thị trường điểm đến do Nhà nước đảm nhiệm, còn quảng bá sản phẩm do doanh nghiệp phụ trách. Thực tế, do kinh phí hạn hẹp nên có sự nhập nhèm giữa quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch. Một số thị trường do Nhà nước chưa có nguồn lực quảng bá nên doanh nghiệp du lịch đảm nhiệm và việc quảng bá như vậy không hiệu quả. Tại một số hội chợ xúc tiến du lịch, do không có kinh phí nên Tổng cục Du lịch ủy quyền cho địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội tham gia. Về lâu dài, việc này sẽ không mang lại hiệu quả cao, thậm chí nhầm lẫn về hình ảnh du lịch quốc gia với hình ảnh du lịch địa phương.


Gian hàng của Việt Nam tại ITB 2015
Theo ông Lương Hoài Nam: phải khoanh vùng thị trường khách trọng điểm của Việt Nam và có kế hoạch triển khai xúc tiến du lịch dài hạn. Muốn vậy, bên cạnh việc nghiên cứu đặc điểm thị khách, phải có tiền làm xúc tiến, thậm chí thuê đối tác nước ngoài. “Khi còn làm tại Vietnam Airlines phụ trách về công tác xúc tiến quảng bá, chúng tôi có đàm phán quảng cáo trên CNN và nhận thấy nếu chia theo từng slot quảng cáo còn rẻ hơn quảng cáo trên VTV hoặc HTV (Việt Nam). Do đó, việc quảng cáo trên các kênh truyền hình quốc tế cần tiếp tục triển khai và có kế hoạch cụ thể”.

Đổi mới cơ chế

Vừa trở về từ Hội chợ xúc tiến du lịch ITB (Đức), ông Lương Hoài Nam khá ấn tượng với hàng loạt biểu tượng của Mông Cổ, đất nước đăng cai hình ảnh tại ITB năm nay với chi phí 2,5 triệu USD. “Để có được số tiền này, Chính phủ Mông Cổ thu 1 USD/khách qua đường hàng không. Từ đó, họ có ngân sách để xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch. Do đó, để không bị giậm chân tại chỗ, Tổng cục Du lịch cần đề xuất Chính phủ có cơ chế quảng bá hình ảnh du lịch tại các thị trường trọng điểm, có sự đầu tư ra tấm ra món, từ nghiên cứu kế hoạch gặp gỡ đối tác, tới tạo dựng hình ảnh thu hút đối tác. Đơn cử như việc tham gia ITB, hội chợ du lịch lớn nhất thế giới thì gian hàng của Việt Nam xác định lớn gấp 2 lần hiện nay và có hoạt động quảng bá phụ trợ”.

Trong khi đó, ông Lê Tuấn Anh cho biết: tuy tiền ít nhưng để tiêu được số tiền đó không dễ dàng. Để tham gia gian hàng trong mái nhà chung Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia đóng phí theo phương châm Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Tuy nhiên, Vụ Thị trường lại không có chức năng thu tiền của doanh nghiệp để chi cho phần hoạt động chung. Do đó, nhiều lần Tổng cục Du lịch đã kiến nghị nâng cấp Vụ Thị trường thành Cục Xúc tiến du lịch để có thể chủ động hơn trong hoạt động xúc tiến quảng bá, tiến tới vận hành theo cơ chế thị trường.

Tổng cục Du lịch xác định cụ thể những hội chợ du lịch cần tham gia, từ đó có đầu tư trọng điểm. Những hội chợ du lịch khác tham gia với hình thức xã hội hóa, cũng phải có kế hoạch và đưa ra mức đóng góp cụ thể với doanh nghiệp. “Để làm được điều này, Tổng cục Du lịch phải minh bạch Quỹ xúc tiến theo Nghị định 92, trong đó có việc xây dựng cơ chế doanh nghiệp du lịch tham gia và thụ hưởng khi đóng góp kinh phí, tránh tình trạng người này làm nhưng doanh nghiệp khác hưởng” - đại diện một doanh nghiệp du lịch góp ý.

Diệu Linh