Mỹ hủy Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều

Tiên hạ thủ vi cường (*)

- Thứ Bảy, 26/05/2018, 07:21 - Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra ngày 12.6 tới ở Singapore. Đây được đánh giá là bước đi khôn ngoan của Washington trong bối cảnh dư luận thế giới cũng như bản thân Mỹ và Triều Tiên đều không chắc chắn về khả năng thành công của cuộc gặp.

Đột ngột nhưng không bất ngờ

Trong lá thư gửi đến ông Kim Jong-un hôm 24.5, ông Trump cho biết giờ không phải thời điểm phù hợp cho cuộc gặp vì “sự tức giận và thù địch” trong tuyên bố gần đây nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông chủ Nhà Trắng gọi đó là “cơ hội bị bỏ lỡ” và đây “thật sự là khoảnh khắc buồn trong lịch sử”.

Dù vậy, ông Trump vẫn bày tỏ mong muốn được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên và sẵn sàng nhận điện thoại hoặc thư nếu ông Kim Jong-un thay đổi ý kiến. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cảm ơn ông Kim Jong-un vì trả tự do cho 3 con tin Mỹ, gọi đây là “cử chỉ đẹp” nhưng không quên cảnh báo Bình Nhưỡng về kho vũ khí hạt nhân “khổng lồ và mạnh mẽ” của Washington.

Thông tin không hoàn toàn là cú sốc dù thông báo của ông Trump được đưa ra khá đột ngột, bởi quyết định này là kết quả của nhiều động thái diễn ra trước đó từ cả hai phía, và câu hỏi được quan tâm nhiều nhất là sự kiện này có được tiến hành như dự định hay không, chứ không phải cuộc gặp có thành công hay không.


Đi trước một bước

Cả Mỹ, Triều Tiên lẫn dư luận quốc tế đều nghi ngờ khả năng thành công của Hội nghị Thượng đỉnh, song Washington đã chọn là người ra quyết định. Đâu là những tính toán của ông Donald Trump?

Trong thư, ông Trump viện dẫn nhiều lý do, nhưng có lẽ lý do lớn nhất là tình trạng thiếu vắng niềm tin. Điều đầu tiên Mỹ nghi ngờ là khả năng Triều Tiên sẽ giữ đúng cam kết có mặt tại cuộc gặp thượng đỉnh. Trong trường hợp Bình Nhưỡng là bên tuyên bố hủy hội nghị trước như họ vẫn dọa dẫm những ngày vừa qua, Mỹ sẽ là bên mất mặt. Rõ ràng ông Trump đã chọn bỏ cuộc trước để tránh rơi vào thế bị động.

Nghi ngờ thứ hai của Mỹ là ngay cả khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, khả năng thành công gần như bằng 0, bởi trong quá trình chuẩn bị đã xuất hiện những bất đồng quan điểm mang tính cơ bản - đó là giải pháp cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Hai bên có thể dễ dàng nhất trí với nhau về mục tiêu “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” nhưng rõ ràng chưa có được sự đồng thuận quan điểm về phi hạt nhân hóa như thế nào và thực hiện cụ thể ra sao.

Điều đó được thể hiện qua việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã làm Triều Tiên tức giận khi phát biểu hôm 14.5 rằng nước này có thể áp dụng “mô hình giải trừ hạt nhân Libya” để đóng băng và hủy bỏ hoàn toàn các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đáp lại phát biểu trên, trong thông điệp hôm 24.5, Triều Tiên khẳng định rằng ngồi vào bàn đàm phán hay đối đầu hạt nhân thì sự sẵn sàng của nước này đều như nhau. Thậm chí, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui hôm 24.5 cũng dùng những lời lẽ nặng nề như “ngu dốt” và “thiếu suy nghĩ” để chỉ trích phát biểu của ông Pence. Nữ quan chức ngoại giao cấp cao của Triều Tiên còn đặt nghi vấn liệu cuộc gặp tại Singapore có đáng hay không nếu bình luận này (của ông Pence) phản ánh lập trường của Washington.

“Mô hình giải trừ hạt nhân Libya” là điều Triều Tiên không dễ dàng chấp nhận, đặc biệt sau những gì xảy ra với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Libya đã từng phát triển hạt nhân cho tới năm 2003. Sau đó, ông Gaddafi ký thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush, giao nộp toàn bộ nguyên liệu hạt nhân và cho Nhà Trắng biết Libya đã lấy vật liệu hạt nhân từ đâu. Tới năm 2011, dưới sự hậu thuẫn từ nước ngoài, phe nổi dậy chống đối chính quyền ông Gaddafi đã truy lùng và sát hại nhà lãnh đạo này. Nếu Libya vẫn giữ vũ khí hạt nhân, có thể Mỹ đã không can thiệp vào cuộc nội chiến và ông Gaddafi đã không thiệt mạng. Dường như ông Kim hiểu rất rõ bài học này. Kelsey Davenport, một chuyên gia hạt nhân tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, nhận xét: “Ông Kim Jong-un không muốn chịu số phận như ông Gaddafi: Bị lật đổ sau khi từ bỏ chương trình hạt nhân”.

Quân bài thời gian

Một khi không thật sự tin tưởng và chắc chắn rằng cuộc gặp sẽ thành công thì ông Trump sẽ không tới gặp ông Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12.6 tới. Đến Singapore rồi trở về tay trắng là một kịch bản vô cùng tệ hại với Mỹ trong khi vẫn mang lại lợi ích nhất định cho phía Triều Tiên.

Hơn thế, trong nội bộ chính quyền của ông Trump hiện còn nhiều bất đồng về hướng tiếp cận hồ sơ hạt nhân của cả Triều Tiên lẫn Iran và việc hủy cuộc gặp cấp cao ở Singapore là quân bài thời gian để Mỹ có thể tìm ra đối sách phù hợp để xử lý đồng thời hai hồ sơ này.

Chứng kiến thành công của Hội nghị Thượng định liên Triều, chính quyền Tổng thống Donald Trump có lẽ đã trù liệu sự đổ vỡ của hội nghị Mỹ - Triều lần này không ảnh hưởng tới tiến trình hòa giải giữa Triều Tiên và Hàn Quốc và đây sẽ vẫn là tiền đề thuận lợi cho một cuộc gặp giữa Mỹ và Triều Tiên trong tương lai. Vì vậy việc Nhà Trắng rút khỏi cuộc gặp lần này vừa là động thái để cảnh báo Triều Tiên rằng Mỹ không tìm kiếm hòa bình bằng mọi giá, trong khi vẫn có thêm thời gian để tìm kiếm hòa bình ở một thời điểm chín muồi hơn.
____________

(*) Ra tay trước để chiếm ưu thế

Quỳnh Vũ