Quy hoạch, sắp xếp các điểm dân cư tập trung vùng dân tộc thiểu số ở Nghệ An

Tiến độ ì ạch

- Thứ Hai, 11/11/2019, 08:20 - Chia sẻ
Kết quả đợt giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An vừa qua về công tác quy hoạch, sắp xếp các điểm dân cư tập trung trong thực hiện chính sách đầu tư phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay cho thấy: Mặc dù được các cấp, ngành tập trung chỉ đạo nhưng tiến độ các dự án vẫn còn ì ạch, gây bức xúc trong dân; đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện phát triển sản xuất của bà con nơi ở mới gặp nhiều khó khăn...

Nhiều công trình dở dang, lãng phí

Thời gian qua, các chương trình về bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn nhận được sự quan tâm chặt chẽ của các cấp, các ngành, từng bước đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lục Thị Liên đánh giá: Nhiều dự án chậm tiến độ, thi công dở dang; một số nơi chưa xây dựng hệ thống điện, nước sinh hoạt tự chảy, vẫn phải dùng nước khe, suối; điều kiện giao thông đi lại khó khăn, trẻ em đi học ở trường mầm non khoảng cách khá xa. “Việc triển khai dự án di dời dân khẩn cấp nhưng tiến độ ì ạch khiến tính cấp bách của các công trình, dự án đang mất đi ý nghĩa…”, bà Liên nhấn mạnh.


Các thành viên Đoàn giám sát trò chuyện với bà con xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn Ảnh: Hải Phong

Làm việc trực tiếp tại một số đơn vị, các thành viên Đoàn giám sát cũng nhận định: Đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện phát triển sản xuất của bà con nơi ở mới còn nhiều khó khăn, chưa thực sự bền vững. Đáng chú ý, còn 9/9 dự án định canh định cư tập trung đang xây dựng dở dang do thiếu vốn. Đơn cử như với huyện Kỳ Sơn, thực hiện chủ trương bố trí sắp xếp ổn định dân cư, UBND huyện đã phối hợp với các đơn vị cấp tỉnh triển khai điều tra, khảo sát tại các xã để phục vụ cho công tác xây dựng các dự án quy hoạch; tuyên truyền, vận động các hộ sống du canh, du cơ khắc phục những khó khăn trước mắt để ổn định đời sống… Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện La Văn Chánh, nguồn ngân sách Trung ương đầu tư thực hiện các dự án rất thấp, cụ thể nguồn vốn đã cấp từ năm 2016 - 2019 chỉ đạt 10,6% so với nhu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện bố trí dân cư, các hạng mục, công trình chậm được thực hiện, từ đó không có điều kiện để tổ chức định canh, định cư cho các hộ dân. “Hiện, 3 dự án tập trung thì chỉ có 1 dự án đã hoàn thành, 1 dự án đang thực hiện dở dang và 1 dự án chưa được bố trí vốn để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng…”, ông Chánh thông tin.

Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Văn Thao nêu dẫn chứng: Trên địa bàn huyện, nguồn vốn bố trí cho Dự án 193 Bình Chuẩn phụ thuộc chính vào hỗ trợ từ Trung ương, ngân sách tỉnh nên gây gián đoạn, khó khăn trong việc thực hiện các hạng mục. Còn Dự án 193 Lạng Khê, do nguồn vốn cấp hàng năm nhỏ giọt nên một số hạng mục công trình còn dở dang nên chưa bố trí cho các hộ dân vào nơi ở mới. Hay như dự án Khe Nóng - Châu Khê nguồn vốn cấp hàng năm chưa có nên tạm thời chưa thể tiếp tục thi công…

Trước thực tế còn nhiều công trình dở dang gây lãng phí và bức xúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Lập lý giải: Bên cạnh nguyên nhân chủ quan do nguồn vốn được bố trí hàng năm để triển khai thực hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các dự án được phê duyệt… còn do điểm triển khai thực hiện các dự án thường ở vùng sâu, vùng cao với điều kiện, địa hình, giao thông phức tạp, chi phí vận chuyển cao, giá cả biến động mạnh, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và gây khó khăn cho công tác triển khai. Thời tiết diễn biến thất thường, thiên tai, lũ lụt xảy ra thường xuyên nên nhu cầu bố trí vốn thực hiện các dự án bố trí, sắp xếp dân cư hàng năm lớn… “Đoàn giám sát cần có kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại các dự án để phân loại, lên danh mục dự án ưu tiên, tạm dừng để tập trung bố trí nguồn vốn xử lý dứt điểm…”, ông Lập nhấn mạnh.

Bố trí vốn kịp thời, tránh đầu tư dàn trải

Cho rằng việc thực hiện các dự án bố trí, sắp xếp dân cư giai đoạn vừa qua là hết sức hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe kiến nghị QH, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương bố trí vốn kịp thời, theo thứ tự ưu tiên, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; xem xét đưa dự kiến kinh phí thực hiện các chính sách dân tộc vào dự toán ngân sách trung hạn giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm thực hiện các mục tiêu đặt ra. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính về cấp vốn đầu tư, đặc biệt là với các vùng cấp bách.

Còn theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lương Thanh Hải, Trung ương cần cấp đủ vốn theo nhu cầu Đề án thực hiện chính sách theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, Quyết định số 162/QĐ-TTg tỉnh đã phê duyệt; cấp vốn đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng thuộc các dự án định canh, định cư tập trung đã được phê duyệt theo nhu cầu thực tế của địa phương; cho phép điều chỉnh giá các hạng mục đầu tư thuộc các dự án định canh định cư tập trung cho phù hợp với đơn giá hiện hành để thực hiện…

Khẳng định việc bố trí nguồn vốn nhỏ giọt khiến việc triển khai quá chậm là tình trạng chung, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát, đánh giá lại hiệu quả thực chất các dự án đã được phê duyệt, đồng thời rà soát nhu cầu thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 để bảo đảm cân đối vốn cho nhu cầu đầu tư giai đoạn hiện nay và giai đoạn mới; lập quy hoạch ưu tiên bố trí vốn địa phương trả nợ các dự án đã hoàn thành; hướng dẫn các huyện đưa vào danh mục đầu tư công các dự án di dời dân cho giai đoạn tiếp theo…

“Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cần lập kế hoạch ưu tiên bố trí vốn để trả nợ các dự án đã hoàn thành; Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ...”- Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nhấn mạnh.

DIỆP ANH