Chính sách và cuộc sống

Tiền đề của một dự luật chất lượng

- Thứ Tư, 04/03/2020, 06:57 - Chia sẻ
Gần 4 năm thực thi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 cho thấy, mặc dù chúng ta đã xác lập được một quy trình xây dựng luật tiến bộ, khoa học nhưng trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của từng chủ thể trong từng công đoạn của quy trình lập pháp lại rất có vấn đề. Tiếc rằng, dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám lại mới chỉ tập trung vào khâu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật với đề xuất “đổi vai” giao việc này trở lại cho cơ quan trình dự án luật, xem đây là giải pháp cốt lõi để nâng cao chất lượng xây dựng luật.

Mới đây, trong Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chính thức đề nghị UBTVQH “không đổi vai” mà đưa ra một phương án khác. Cụ thể là, cùng với việc giữ quy định cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay sẽ bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý.

Theo phương án này, quy trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật trình Quốc hội tại 2 kỳ họp và 3 kỳ họp sẽ gồm 4 bước. Một là, cơ quan trình nghiên cứu, đề xuất nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật gửi báo cáo UBTVQH, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thẩm tra. Đối với những chính sách mới được ĐBQH đề nghị bổ sung vào dự thảo luật thì trong trường hợp cần thiết, cơ quan soạn thảo đánh giá tác động về chính sách để báo cáo UBTVQH, Quốc hội.

Hai là, cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan trình, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan trao đổi, thống nhất về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và xây dựng dự thảo báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Đối với dự án luật có vấn đề quan trọng, vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau thì Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách dự án luật chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan để cho ý kiến, thống nhất về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Ba là, cơ quan trình dự thảo luật có ý kiến chính thức bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước khi báo cáo UBTVQH. Bốn là, UBTVQH xem xét, thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo luật đã được chỉnh lý. Sau khi UBTVQH cho ý kiến, việc hoàn chỉnh dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo luật tiếp tục được thực hiện như quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Nhiều mục tiêu có thể đạt được từ phương án kể trên như: Vừa không gây xáo trộn lớn trong tổ chức thực hiện; vừa bảo đảm sự chủ động của các cơ quan của Quốc hội, vừa phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm của cơ quan trình trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến ĐBQH để chỉnh lý dự thảo luật. “Thực hiện theo quy trình này cũng sẽ bảo đảm chặt chẽ hơn trong công tác phối hợp, buộc cơ quan soạn thảo phải theo sát hơn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để bảo vệ quan điểm của cơ quan trình và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định.

Nhưng đó liệu có phải là bảo chứng cho chất lượng xây dựng luật? Với cách thức vận hành của Quốc hội, với thực tế nguồn lực còn mỏng cả về nhân lực, vật lực của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hiện nay thì tiền đề và cũng là khâu then chốt quyết định chất lượng một dự luật lại nằm ở các công đoạn đầu tiên của quy trình lập pháp. “Gia cố” trách nhiệm ở khâu giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án luật là rất cần nhưng chưa đủ. Việc phải làm và làm chi tiết trong dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chính là phải minh định được trách nhiệm, chế tài xử lý đối với từng chủ thể trong từng công đoạn xây dựng luật, đặc biệt là ở các công đoạn phân tích chính sách, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của chính sách và soạn thảo dự án luật. Nếu không cụ thể hóa được vấn đề này, những dự luật kém chất lượng sẽ vẫn được trình ra Quốc hội, khi đó, cơ quan giải trình, tiếp thu chỉnh lý cũng khó mà “trở tay kịp”.

Không khó để “điểm danh” những dự luật không bảo đảm được cả những yêu cầu cơ bản, có khi tổng kết thực tiễn một đằng nhưng đánh giá tác động một nẻo và soạn thảo lại thành một nẻo khác nữa nhưng vẫn được chuyển đến cơ quan của Quốc hội và trình ra Quốc hội. Vì thế, kỷ luật lập pháp không nên và không thể nói suông được!

Lam Anh