Tiếc là, dự thảo Luật vẫn chưa phân biệt rõ ràng mục đích hoạt động vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận của các cơ sở giáo dục đại học

- Thứ Bảy, 26/05/2012, 08:41 - Chia sẻ
Xã hội hóa giáo dục đại học là chủ trương đã đưa ra từ nhiều năm nay, đã có nhiều văn bản quy định nhưng việc triển khai còn rất chậm, thậm chí lệch hướng sang thương mại hóa giáo dục đại học. Với quy định tại Khoản 3, Điều 7 của dự thảo Luật về cơ sở giáo dục đại học có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục đại học liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước - chúng ta đã chính thức chấp nhận sự tồn tại của thị trường giáo dục và đồng nghĩa với việc chấm dứt cuộc tranh luận về việc có hay không có, nên chấp nhận hay không nên chấp nhận loại thị trường này ở nước ta.
 

Thực ra, sự tồn tại của thị trường giáo dục không phải là thảm họa. Tuy nhiên chúng ta cần phải đưa vào luật phân biệt như thế nào cho rõ ràng hai loại hình dịch vụ giáo dục, đó là dịch vụ vì mục đích lợi nhuận và dịch vụ không vì mục đích lợi nhuận. Có như vậy mới có thể có những chính sách phù hợp với từng loại hình. Nhưng quy định như dự thảo Luật theo tôi chưa ổn. Cụ thể, theo Khoản 7, Điều 4: cơ sở giáo dục đại học tư thục là cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận, nếu cần lợi nhuận tích lũy hàng năm là tài sản chung không chia để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hàng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ. Theo Điều 16, trường tư thục thành lập Hội đồng quản trị là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu nhà trường có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, đây là cơ quan có thẩm quyền và quyết định cao nhất về đường lối phát triển của nhà trường theo như quy chế tổ chức và hoạt động của trường tư thục. Từ những quy định trên cho thấy, việc chấp nhận chia lợi tức và dành thẩm quyền cao nhất cho các cổ đông ở trường tư thục không khác gì nguyên tắc tổ chức hoạt động của công ty cổ phần. Chính vì vậy, nhà nghiên cứu Phạm Duy Nghĩa đã khẳng định rằng trên thực tế có thể nói, 100% đại học tư thục ở nước ta là vì lợi nhuận. Và cũng theo nhà nghiên cứu này thì các trường tư thục vì lợi nhuận thường xuất hiện ở những lĩnh vực đào tạo có lợi nhuận, tránh đầu tư lớn và dài hạn. Do phải thỏa mãn yêu cầu về lợi nhuận của các cổ đông làm cho các trường tư thục vì lợi nhuận không thể đáp ứng được chức năng giáo dục thường có của một trường đại học công lập. Bởi những hạn chế thường là thương mại hóa giáo dục, chạy theo lợi nhuận, chạy theo ngành đào tạo chi phí thấp nhu cầu lớn, không có đầu tư lớn vào nghiên cứu cơ bản, thậm chí có những hành vi vi phạm về quy chế tuyển sinh cũng như quy chế đào tạo. Mặt khác, nguyên tắc hoạt động vì lợi nhuận cũng đã giải thích vì sao ở nước ta không ít trường đại học ngoài công lập phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ gay gắt, kéo dài, mà ở những trường đại học như vậy thì rất khó phát triển.

Tiếc là dự thảo Luật vẫn đang duy trì một tình trạng không rõ ràng về mục đích hoạt động vì lợi nhuận, không vì lợi nhuận và kéo dài sự ưu đãi của Nhà nước cho những cơ sở kinh doanh giáo dục. Tôi đề nghị cần cân nhắc lại và làm rõ vấn đề này trước khi dự thảo Luật được QH thông qua.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)