Chính sách và cuộc sống

Tích hợp các chương trình

- Thứ Năm, 28/05/2020, 07:55 - Chia sẻ
Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát tối cao về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, một chủ đề giám sát có tính chuyên môn sâu và hoàn toàn không dễ dàng để thu thập đầy đủ thông tin, số liệu. Một lần nữa, tôi bày tỏ đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm của Đoàn giám sát của Quốc hội. Tôi cũng cho rằng, trong đợt giám sát này, vì những lý do khách quan nên còn những vấn đề chúng ta chưa có điều kiện làm rõ. Trong đó có 3 vấn đề cụ thể:

Một là, số liệu thống kê, tôi rất đồng tình và không khỏi day dứt với kết luận của Đoàn giám sát nêu tại cuối trang 3 của Báo cáo kết quả giám sát. Cụ thể là, qua giám sát cho thấy còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực, gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Trong khi đó, công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến số vụ xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế. Như vậy, chúng ta thừa nhận rằng, tồn tại “vùng ẩn” trong số liệu thống kê về xâm hại trẻ em. Thực tế, trong hồ sơ giám sát cũng không có biểu thống kê nào phản ánh tình hình xâm hại trẻ em toàn diện trên 63 tỉnh, thành phố.

Nguyên nhân trực tiếp là do công tác thống kê, quản trị số liệu về vấn đề này chưa được quan tâm, mà sâu xa là do cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành được bộ chỉ tiêu thống kê về xâm hại trẻ em dù nhiệm vụ này đã được xác định trong Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Bởi vậy, tôi ủng hộ việc đưa vào dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội nội dung yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2020, làm nền tảng xây dựng văn hóa quản lý dựa trên số liệu.

Hai là, kinh phí và hiệu quả sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Có thể khẳng định, Nhà nước ta rất quan tâm bố trí ngân sách cho công tác này với khoảng gần 600 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, khoảng 4.300 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Cùng với đó là nguồn vận động xã hội hóa từ nhân dân và viện trợ quốc tế cũng không nhỏ. Điều đáng nói là theo trang 45 của Báo cáo kết quả giám sát thì số liệu này, Bộ Tài chính cũng chỉ tổng hợp được từ báo cáo của 39/63 tỉnh, thành phố, còn 24 địa phương không biết có báo cáo hay không, có bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ trẻ em hay không?

Một vấn đề rất đáng quan tâm thường được nêu lên khi thảo luận về chấp hành ngân sách là việc sử dụng kinh phí lồng ghép theo các chương trình, đề án thuộc thẩm quyền phân bổ của địa phương. Nếu không xác định được đây là nhiệm vụ ưu tiên thì địa phương sẽ không phân bổ hoặc sử dụng nguồn kinh phí này cho nhiệm vụ ưu tiên khác. Ví dụ, Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, đến năm 2018, tức là giữa kỳ mới được bố trí kinh phí. Bởi vậy, tôi cho rằng con số 24 tỉnh không có báo cáo kinh phí cho hoạt động phòng, chống xâm hại trẻ em cũng có thể xem như công tác này chưa được quan tâm ở 24 địa phương.

Ba là, trong giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta đã có nhiều chương trình hành động, đề án cấp quốc gia liên quan đến bảo vệ trẻ em được triển khai với nhiều chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể. Ví dụ, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020 theo Quyết định số 1555 đề ra chỉ tiêu số trẻ em bị bạo lực giảm 20% vào năm 2015 và giảm 40% vào năm 2020; Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2361 đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống còn 5%, giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại 90%, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1203 đề ra chỉ tiêu 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, khi có thông báo phát hiện được hỗ trợ, can thiệp kịp thời…

Tôi đề nghị cần có những đánh giá, làm rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu trong các chương trình, đề án này đạt được đến đâu, từ đó đặt ra vấn đề xa hơn là cần thiết duy trì chỉ tiêu, mục tiêu nào thực sự có ý nghĩa. Có nên triển khai chương trình, đề án trong cùng lĩnh vực, trong khi nguồn lực, kinh phí con người còn nhiều hạn chế hay không? Theo thống kê tại Phụ lục 8 trong Báo cáo của Chính phủ thì riêng nội dung về phòng ngừa xâm hại trẻ em, rộng hơn là bảo vệ trẻ em thì các địa phương phải ban hành văn bản để triển khai 11 chương trình, đề án, kế hoạch. Nếu không rà soát để tích hợp các chương trình, đề án thì việc phân bổ nguồn lực kinh phí sẽ tiếp tục là vấn đề khó khăn, khó tạo ra đột phá trong các công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em như chúng ta từng kỳ vọng.

ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam)
L. Anh ghi