Tham mưu đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát

Thường xuyên theo dõi, cập nhật quá trình xử lý

- Thứ Bảy, 29/02/2020, 07:45 - Chia sẻ
Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Văn phòng HĐND tỉnh cần tham mưu cho HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh theo đuổi đến cùng việc giải quyết kiến nghị sau giám sát, giải quyết dứt điểm những bức xúc của cử tri. Vì vậy, sau khi có kết luận, bộ phận tham mưu phải thường xuyên theo dõi, cập nhật quá trình xử lý những kiến nghị giám sát; trường hợp xử lý chậm trễ phải có văn bản đôn đốc và đề nghị có văn bản trả lời cụ thể.

Góp phần quan trọng quyết định hiệu quả giám sát

Những năm gần đây, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Lạng Sơn không ngừng được đổi mới và nâng cao chất lượng. Trong đó, Văn phòng HĐND tỉnh đã tích cực tham mưu để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri; tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh giám sát dưới nhiều hình thức đa dạng, phân công các Ban HĐND tỉnh thường xuyên theo dõi tiến độ giải quyết kiến nghị. Đối với những kiến nghị chưa được trả lời, hoặc trả lời chưa rõ, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan trả lời bổ sung và công khai, minh bạch để người dân theo dõi, giám sát. Những kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết, Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp tổ chức giám sát, hoặc phân công các Ban HĐND tỉnh giám sát.


Hội nghị cán bộ, công chức năm 2019 của Văn phòng HĐND tỉnh Lạng Sơn Ảnh: Kim Chi

Trong hoạt động giám sát, Văn phòng HĐND tỉnh tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh chú trọng công tác chuẩn bị, lựa chọn trúng những nội dung cần tập trung giám sát, khảo sát nhằm bảo đảm tiêu chí “thiết thực, hiệu quả” với những vấn đề “nóng”, bức xúc được cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm. Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát được Thường trực, các Ban HĐND tỉnh thực hiện lồng ghép vào hầu hết các cuộc giám sát chuyên đề. Để hoạt động giám sát này đạt hiệu quả, thiết thực, Văn phòng HĐND tỉnh tham mưu cho Thường trực, các Ban HĐND tỉnh chú trọng theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan chức năng trong giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhất là các ý kiến thuộc địa bàn ứng cử của đại biểu. Tập trung theo dõi, giám sát đến cùng việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri.

Cùng với đó, Văn phòng HĐND tỉnh tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh luôn chú trọng việc báo cáo với cử tri kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị. Tại các cuộc TXCT trước kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu Văn phòng HĐND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri theo địa bàn để các đại biểu HĐND tỉnh báo cáo với cử tri. Việc phân loại ý kiến, kiến nghị theo địa bàn vừa tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu, vừa giúp việc theo dõi, hệ thống các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tránh không bị trùng lặp, kiến nghị những nội dung đã được giải quyết, trả lời. Sau các cuộc giám sát, Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh đều có báo cáo kết quả giám sát, trong một số trường hợp cụ thể có công văn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp có trách nhiệm giải quyết những vấn đề nêu ra sau giám sát.

Nhìn chung, các kiến nghị sau giám sát đều được UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện tiếp thu, chỉ đạo giải quyết tích cực và hiệu quả; các đơn vị chịu sự giám sát cơ bản thực hiện nghiêm túc yêu cầu của đoàn giám sát, tập trung khắc phục những tồn tại, yếu kém. Thực tế ở Lạng Sơn cho thấy, bên cạnh xây dựng báo cáo giám sát có tính thuyết phục cao, công tác đôn đốc giải quyết các kiến nghị sau giám sát góp phần quan trọng quyết định hiệu quả của cuộc giám sát. Chính việc thường xuyên theo dõi quá trình xử lý các kiến nghị sau giám sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, tạo chuyển biến về chất trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu bức thiết của nhân dân.

Thường xuyên cập nhật quá trình xử lý

Từ những kết quả cụ thể cho thấy, trước hết, phải có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về hoạt động giám sát của HĐND là do pháp luật quy định; mục đích nhằm khẳng định, động viên, ghi nhận kết quả đã đạt được, tăng cường trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng chịu sự giám sát hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Văn phòng HĐND tỉnh cần tham mưu cho HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh theo đuổi đến cùng việc giải quyết kiến nghị sau giám sát, giải quyết dứt điểm những bức xúc của cử tri. Vì vậy, sau khi có kết luận, bộ phận tham mưu phải thường xuyên theo dõi, cập nhật quá trình xử lý những kiến nghị giám sát; trường hợp xử lý chậm trễ phải có văn bản đôn đốc và đề nghị có văn bản trả lời cụ thể.

Thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, không phải kiến nghị nào qua giám sát cũng được các cơ quan liên quan chấp hành nghiêm túc, bản thân các cơ quan này cũng không nhận thấy sự ràng buộc phải thực hiện kiến nghị. Do vậy, việc theo dõi, đôn đốc rất cần thiết để kiến nghị sau giám sát được thực hiện một cách triệt để. Quan tâm tiếp tục tham mưu rà soát, giải quyết dứt điểm, báo cáo Thường trực HĐND, HĐND tỉnh và cử tri những nội dung chưa được giải quyết, chưa giải quyết xong, chưa có kết quả cụ thể. Việc trả lời kiến nghị cử tri cần thẳng thắn, chính xác, rõ kết quả, tiến độ thực hiện, bảo đảm tính thuyết phục của nội dung trả lời; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả giải quyết, trả lời để cử tri dễ theo dõi, giám sát.

ĐẶNG NGUYỄN