Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội làm việc với một số bộ, ngành về bình đẳng giới

- Thứ Hai, 08/04/2019, 18:08 - Chia sẻ
Chiều 8.4, tại trụ sở VPQH, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã có cuộc làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Tòa án Nhân dân Tối cao về những nội dung có liên quan đến Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2018. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt chủ trì cuộc làm việc.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, thời gian qua Bộ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi. Cụ thể, Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quy hoạch và tạo nguồn đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước; trong đó quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ khi đi đào tạo, bồi dưỡng đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Bộ Nội vụ đã có Công văn số 3819/BNV - ĐT gửi Bộ Tài chính về việc xây dựng Thông tư hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng; trong đó đã tổng hợp tình hình thực hiện Thông tư số 139/2010/TT – BTC và đề xuất với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định chính sách cụ thể hỗ trợ cho nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, hỗ trợ tối đa không quá 100.000 đồng/ngày/học viên đối với học viên là nữ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi…


Toàn cảnh cuộc họp 

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, năm 2018, nhiều địa phương đã quy định nguyên tắc ưu tiên lựa chọn hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ trong các kế hoạch và chương trình hỗ trợ của địa phương như Quảng Ninh, Tuyên Quang, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh… Một số địa phương như TP Hà Nội đã chủ động xây dựng các khóa đào tạo dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ. Hiệp hội doanh nghiệp cũng tích cực triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bộ cũng phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội và đại diện các vụ, đơn vị của Tổng cục thống kê thành lập Tổ biên tập Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia (dự kiến sẽ ban hành trong tháng 6.2019).

Với Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo Bộ nêu rõ, trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã chủ động rà soát, phân loại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới ngay từ khâu đề xuất, lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở đó, gửi lấy ý kiến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… về các nội dung liên quan đến bình đẳng giới. Tại khâu này, Bộ Tài chính đã tổ chức nhận diện các vấn đề về giới, đánh giá tác động về giới, dự kiến nguồn lực để thực hiện các chính sách có nội dung về giới, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các giới trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là nữ giới.

Với trách nhiệm của Tòa án Nhân dân Tối cao, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền cũng cho biết, theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014, trong cơ cấu tổ chức của Tòa án Nhân dân (TAND) cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện có thể có Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, TAND TP Hồ Chí Minh và TAND tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, với thẩm quyền riêng biệt xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình, các vụ án dân sự, hình sự liên quan đến người chưa thành niên. Tới đây, dự kiến 38 TAND cấp tỉnh sẽ tiếp tục thành lập mô hình Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. Trong công tác chuyên môn, việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới của Tòa án được lồng ghép trong quá trình giải quyết, xét xử các loại án như bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em cái đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em, các tội mua bán phụ nữ và trẻ em, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em trong các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động…

Cho rằng Báo cáo của các bộ, ngành đã dần khắc phục những nội dung chưa làm tốt, chậm thực hiện trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt lưu ý, các báo cáo cần chỉ rõ hơn nữa vấn đề nào Bộ làm tốt, chưa làm tốt, địa phương nào làm được, làm được như thế nào. Vì sao một số văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn chưa được ban hành kịp thời.

Đối với Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, đây là mô hình được Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đánh giá cao, khẳng định sự cần thiết, đúng với chủ trương đề ra. Tuy nhiên, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên đã được thành lập 3 năm, song việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em tránh bị xâm phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Vậy TANDTC cần đánh giá rõ tác động tích cực của Tòa án chuyên biệt này đối với bảo vệ phụ nữ và trẻ em như thế nào? Có khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình tổ chức thực hiện hay không?

Tin và ảnh: Hoàng Ngọc