Góc nhìn

Thượng tôn pháp luật ở đâu?

- Chủ Nhật, 03/11/2019, 07:59 - Chia sẻ
Đầu tuần tới, QH sẽ thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác thi hành án… Với tỷ lệ thi hành án hành chính năm 2019 đạt thấp, đến nay, cả nước còn 313 bản án mà Chủ tịch UBND, UBND phải thi hành nhưng chưa thi hành xong được Ủy ban Tư pháp chỉ ra khi thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho thấy vẫn còn những “khoảng tối” trong thực thi pháp luật.

Cử tri và nhân dân đặt câu hỏi: Tinh thần thượng tôn pháp luật ở đâu khi những bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, buộc phải thi hành nhưng vẫn chưa thi hành xong?

Năm 2019 số lượng các vụ án hành chính được tòa án nhân dân các cấp thụ lý tăng 23%. Về cơ bản, đã khắc phục tình trạng án quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan. Đặc biệt, nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, Tòa án các cấp đã ra quyết định buộc thi hành án đối với 115 trường hợp, trong khi, 4 năm, từ năm 2014 - 2017, các tòa án nhân dân chỉ ra quyết định buộc thi hành án đối với 22 trường hợp. Đây là những “điểm sáng” rất đáng ghi nhận trong công tác giải quyết án hành chính cũng như công tác thi hành án hành chính.

Tuy vậy, tỷ lệ xét xử án hành chính năm 2019 chỉ đạt 59%. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa giảm, trong đó án hủy 3,08%; án sửa 3,34%. Trong khi đó, theo yêu cầu Nghị quyết số 111 của QH về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát Nhân dân, của tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo thì tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm không vượt quá 1,5%. Như vậy, việc giải quyết án hành chính năm 2019 chưa đạt yêu cầu nghị quyết của QH đặt ra.

Không chỉ chưa đạt về tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa theo yêu cầu nghị quyết của QH mà tỷ lệ thi hành án hành chính cũng là vấn đề “rất đáng bàn”. Cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện theo dõi việc thi hành 637 bản án, quyết định hành chính của tòa án nhân dân. Tuy nhiên, kết quả thi hành xong là 298 vụ việc, chiếm 46,8%. Điều này cho thấy, việc thi hành xong bản án hành chính vẫn còn “khiêm tốn”.

Nhận định về tỷ lệ thi hành án hành chính năm 2019, Ủy ban Tư pháp cho rằng vẫn “đạt thấp”. Số vụ án hành chính chưa thi hành xong tăng cao so với cùng kỳ năm 2018, số việc chưa thi hành xong năm 2018 là 224 việc, năm 2019 là 339 việc. Điều đáng nói là, cho đến nay, cả nước còn 313 bản án mà Chủ tịch UBND, UBND là người phải thi hành nhưng chưa thi hành xong.

Tình trạng tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã trở thành vấn đề “biết rồi, nói mãi” trong nhiều cuộc họp của Ủy ban Tư pháp, thậm chí năm sau còn cao hơn với năm trước. Các đối tượng phải thi hành án hành chính chủ yếu là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính của Nhà nước, lẽ ra đây là những đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong thực thi pháp luật. Nhưng tiếc rằng, có những đối tượng đã cố tình phớt lờ các quy định pháp luật để làm chậm việc thi hành bản án. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước, đến niềm tin của người dân đối với tính nghiêm minh của pháp luật.  Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây bức xúc, đơn thư khiếu nại kéo dài trong thời gian qua.

Việc những người không tự nguyện chấp hành các bản án hành chính là một biểu hiện của việc coi thường pháp luật. Mặc dù, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016 của Chính phủ quy định thi hành án hành chính là cơ chế tự thi hành, chưa có cưỡng chế đối với các trường hợp không tự nguyện chấp hành. Nhưng không phải vì “chưa có cưỡng chế” mà các đối tượng phải thi hành án lại phớt lờ thi hành các bản án hành chính.

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, cần phải có giải pháp mạnh để xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án là Chủ tịch UBND, UBND các cấp chậm thi hành án hoặc không chấp hành án hành chính. Hoặc chí ít, trong phiên thảo luận tại diễn đàn QH tới đây, tên những người phớt lờ chưa thực hiện bản án hành chính được xướng lên để cử tri và nhân dân cùng biết. Bởi, không có lý do gì mà bản án đối với người dân được thi hành ngay, trong khi án hành chính với Chủ tịch, UBND thì lại thi hành “đủng đỉnh”!

Hà An