Thương chiến Nhật - Hàn chưa kết thúc

- Thứ Sáu, 16/08/2019, 07:33 - Chia sẻ
Trong bối cảnh nỗ lực chính trị và ngoại giao thất bại cùng những động thái “ăn miếng trả miếng”, căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, liên quan đến tranh cãi về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các chuyên gia nhận định, căng thẳng thương mại gia tăng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có thể làm thay đổi cấu trúc kinh tế và an ninh lâu dài trong khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Chưa thể lắng dịu

Trong phát biểu được phát trên truyền hình ngày 15.8, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 74 Ngày Giải phóng Hàn Quốc khỏi ách cai trị của Nhật Bản (1910 - 1945), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố, thà muộn còn hơn không, Hàn Quốc sẵn lòng chung tay với Nhật Bản nếu nước này chọn con đường đối thoại và hợp tác. Ông Moon cho rằng, hai nước láng giềng cần vượt qua vết thương quá khứ để hướng đến tương lai. Tổng thống Hàn Quốc cũng bày tỏ hy vọng Nhật Bản sẽ cùng Hàn Quốc đóng vai trò tiên phong nhằm xây dựng khu vực Đông Á hợp tác, thịnh vượng và hòa bình.

Thông điệp trên có thể xem như lời kêu gọi đối thoại của Hàn Quốc, nhằm giải quyết căng thẳng hiện nay giữa hai nước láng giềng. Tuy nhiên, Tokyo dường như phớt lờ thiện chí của Seoul. Ngày 15.8, cũng là ngày kỷ niệm Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh trong Thế chiến II, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gửi lễ vật đến đền Yasukuni thờ phụng những binh sĩ Nhật Bản tử trận vì chiến đấu cho Thiên hoàng trong Thế chiến II. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Thủ tướng Abe gửi lễ vật tới ngôi đền gây tranh cãi này. Mặc dù Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, ông Abe gửi lễ vật đến đền Yasukuni với tư cách cá nhân, song hành động này vẫn vấp phải phản đối quyết liệt từ các nước giềng châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc, vốn chịu nhiều đau thương do phát xít Nhật gây ra trong Thế chiến II.

Trước đó, các quan chức của Tokyo - Seoul đã thất bại trong đối thoại nhằm giải quyết căng thẳng thương mại liên quan đến các quy định về hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với Hàn Quốc.

Ngày 12.8, Hàn Quốc cũng tiếp tục có động thái đáp trả Nhật Bản trong cuộc đối đầu thương mại giữa hai bên. Hãng tin Yonhap cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đã loại Nhật Bản khỏi danh sách đối tác thương mại tin cậy. Các quốc gia được xếp loại A trong danh sách trắng của Hàn Quốc trước nay như Nhật, được hưởng ưu tiên giảm bớt thủ tục hải quan cũng như giảm thời gian kiểm duyệt thông quan hàng hóa. Việc hạ cấp loại xuống A-2 khiến các quy định bị thắt chặt hơn, ảnh hưởng đến 1.735 sản phẩm chiến lược của Nhật xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Động thái này nhằm đáp trả việc Nhật Bản trước đó loại Hàn Quốc khỏi Sách trắng gồm các nước được nhận ưu đãi về quy chế xuất khẩu. Theo đó, các công ty Nhật Bản phải có xác minh xuất khẩu bổ sung đối với hàng trăm sản phẩm trước khi bán cho các công ty Hàn Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của căng thẳng hiện nay giữa Nhật Bản - Hàn Quốc là do thiếu giải pháp thỏa đáng nhằm giải quyết dứt điểm những tranh cãi về lịch sử giữa hai nước láng giềng châu Á. Việc Nhật Bản không thừa nhận sai lầm trong quá khứ khiến hai bên khó có thể vượt qua vết thương lịch sử để nhìn về tương lai.

Ngư ông đắc lợi

Các chuyên gia quan hệ quốc tế cảnh báo, căng thẳng thương mại gia tăng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có thể làm thay đổi cấu trúc kinh tế và an ninh lâu dài trong khu vực một cách toàn diện, trong đó Trung Quốc và Triều Tiên hưởng lợi hơn cả. Chừng nào Nhật Bản và Hàn Quốc chưa giải quyết được xung đột thương mại song phương và hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc bị suy yếu, có thể cho phép Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng về kinh tế, công nghệ và an ninh ở khu vực Đông Á, trong bối cảnh xung đột thương mại và tiền tệ giữa Washington và Bắc Kinh chưa có dấu hiệu được giải quyết. Bên cạnh đó, tranh cãi lịch sử giữa Nhật Bản - Hàn Quốc làm lung lay quan hệ giữa hai nước, vốn trên ba trụ cột hợp tác chính trị - thương mại - an ninh. Trong bối cảnh hợp tác quân sự - an ninh giữa Seoul - Tokyo bị suy yếu, nỗ lực của Mỹ và Hàn Quốc trong ngăn chặn thách Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân cũng bị ảnh hưởng.

Rorry Daniels, Phó Giám đốc dự án thuộc Diễn đàn An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Ủy ban Quốc gia về Chính sách Đối ngoại Mỹ tại New York cho biết, nếu quan hệ thương mại và ngoại giao giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục xấu đi thì có thể có những dấu hiệu về sự thay đổi chiến lược dài hạn ở châu Á. Quan hệ song phương kém thuận lợi với Nhật Bản có thể tác động tiêu cực tới khả năng Hàn Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao do Nhật Bản dẫn dắt. Không những thế, sự phụ thuộc ngày càng tăng của Hàn Quốc vào nền kinh tế Nhật Bản còn làm ảnh hưởng tới những nỗ lực đa dạng hóa các chuỗi cung cấp ngoài Trung Quốc của Mỹ.

Troy Stangarone, Giám đốc cao cấp Viện Kinh tế Hàn Quốc ở Washington cho rằng, nhà sản xuất hàng điện tử gia dụng Samsung của Hàn Quốc hiện là nhà cung cấp thiết bị 5G hàng đầu thế giới với nguồn cung cấp linh kiện quan trọng đến từ Nhật Bản. Vì vậy, nếu Nhật Bản giảm xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc có thể hưởng lợi, trở thành nhà cung cấp thay thế và điều này có thể góp phần tăng cường sức mạnh của ngành bán dẫn Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, xung đột thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc sẽ giúp Trung Quốc thống trị sự phát triển công nghệ 5G trên thế giới, cho phép các thiết bị viễn thông kết nối không dây với hầu hết sản phẩm và dịch vụ với tốc độ rất cao.

Ngọc Khánh