Thước đo sự chuyên nghiệp

- Thứ Hai, 04/11/2019, 07:43 - Chia sẻ
Những năm gần đây, các sự kiện văn hóa nghệ thuật diễn ra tại Việt Nam ngày càng nhiều và đa dạng, thu hút sự quan tâm của nghệ sĩ, công chúng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, không nhiều sự kiện duy trì lâu dài, tạo dựng được danh tiếng, uy tín và cả giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội, do thiếu tính chuyên nghiệp trong tổ chức.

5 năm xây dựng một thương hiệu

Từ ngày 1 - 3.11, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa - Monsoon Music Festival 2019 đã diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, quy tụ các nghệ sĩ tới từ Ireland, Đan Mạch, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia... và Việt Nam. Sau 5 năm tổ chức, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa đã trở thành sự kiện được chờ đón tại Hà Nội, là điểm đến quan trọng với người yêu âm nhạc và đam mê các giá trị văn hóa. Với thời lượng biểu diễn trực tiếp dài trên sân khấu từ các nghệ sĩ trong nước và quốc tế cũng như các nghệ sĩ mới, Monsoon hấp dẫn hàng nghìn người tham dự mỗi năm tại di tích lịch sử đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Nhớ lại hành trình cùng Monsoon, tổng đạo diễn Lễ hội, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: “Khi tôi có ý tưởng, xin phép tổ chức, mọi người chưa hiểu lễ hội âm nhạc là như thế nào, người thì cho là hòa nhạc, hay chuỗi sự kiện biểu diễn. Nhưng lễ hội âm nhạc không chỉ có biểu diễn của nghệ sĩ, hay thu hút đông khán giả, mà thông qua đó tạo không gian lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng”.

Việc tổ chức một sự kiện nghệ thuật lớn đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong các khâu, an toàn tuyệt đối, không xảy ra sự cố kỹ thuật, thương tích. Trong những ngày đầu làm Monsoon, ê-kíp gặp nhiều khó khăn, vừa làm vừa học, thử nghiệm, đến năm thứ 5 đã chuyên nghiệp hóa sản xuất với các chương trình có trang thiết bị đồ sộ chỉ cần chuẩn bị trong 2 - 3 ngày, việc chuyển đổi biểu diễn giữa các ban nhạc cũng được rút từ 20 phút xuống còn 5 phút. Cộng đồng, hệ sinh thái giữa nhà tổ chức, bên cung cấp thiết bị, nghệ sĩ... đã được tạo dựng.

Để tổ chức thành công một lễ hội âm nhạc, theo nghệ sĩ Quốc Trung, phải trải qua nhiều khâu: Làm việc với nhà quản lý về địa điểm biểu diễn là di sản của Hà Nội, chuẩn bị kỹ thuật, xin cấp phép, truyền thông dự án, xây dựng cộng đồng khán giả, tạo thói quen về văn hóa và truyền tải thông điệp có giá trị với cộng đồng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp... Từ năm 2014 đến nay, Monsoon đã thu hút hơn 200 nghệ sĩ, hàng trăm nghìn khán giả. Định hướng trong 5 năm tới, đây sẽ là lễ hội âm nhạc mà qua đó mọi người chia sẻ tình cảm, giá trị nhân văn, năng lượng tích cực tới cộng đồng; một điểm nhấn tạo ra nền tảng đối thoại giao lưu văn hóa, giao lưu giữa nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam...

Với những thành công thời gian qua, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa được các cơ quan quản lý và nghiên cứu văn hóa chọn như một điển hình của sự kiện nghệ thuật được tổ chức chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế tại Việt Nam, bên cạnh Festival Huế diễn ra từ năm 2000 đến nay, hay các chương trình biểu diễn nghệ thuật “Làng tôi”, “À Ố show”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Ký ức Hội An”...

Chuyên nghiệp trong tổ chức sẽ tạo nên chất lượng nghệ thuật Ảnh: Monsoon Music Festival

Hội tụ nhiều yếu tố

Hiện nay tại Việt Nam hàng ngày diễn ra nhiều sự kiện nghệ thuật, do nhiều đơn vị tổ chức ở các mức độ, quy mô khác nhau. Điều đó cho thấy bước đầu sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành nhận định, nhiều sự kiện thiếu sự chuyên nghiệp, liên kết, phối hợp giữa các khâu, dẫn tới chất lượng nghệ thuật chưa cao, chưa tạo được tiếng vang.

Có thể thấy, sự kiện nghệ thuật tổ chức thành công cần có nhiều yếu tố như: Năng lực của đơn vị tổ chức, sự hỗ trợ từ phía nhà quản lý, tài trợ, đầu tư cho nghệ thuật, cơ sở vật chất hạ tầng đáp ứng tiêu chuẩn, tài năng của nghệ sĩ, trình độ thưởng thức của công chúng... Theo nhà nghiên cứu Trương Uyên Ly, từ văn hóa nghệ thuật theo hướng tuyên truyền, bao cấp, chuyển dịch thành công nghiệp văn hóa, nhà quản lý văn hóa cần bắt kịp nhanh với sự thay đổi. Chẳng hạn, công nghệ phát triển, các thể loại nghệ thuật đang trộn lẫn, dần xóa nhòa ranh giới, việc cấp phép cho các chương trình sẽ rất phức tạp, nếu không thay đổi sẽ khó đáp ứng nhu cầu tổ chức sự kiện nghệ thuật trong nước...

Có thể thấy, việc nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý nghệ thuật cũng giúp các ngành công nghiệp văn hóa phát triển hơn trong tương lai. Đặc biệt, bên cạnh hỗ trợ về pháp lý, khuyến khích phát triển các chương trình mang tính giáo dục, phát triển tài năng, nhà nước cần vào cuộc quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, giúp những người tham gia được hưởng lợi từ sáng tạo nghệ thuật.

Một khía cạnh khác cần quan tâm là cơ sở vật chất phục vụ tổ chức các sự kiện nghệ thuật. Nước ta vẫn khá thiếu các địa điểm biểu diễn, triển lãm lớn, trang thiết bị hiện đại. Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, khi đưa ra lời mời nghệ sĩ quốc tế, họ thường lựa chọn và ưu tiên khi ta tổ chức kết hợp tour diễn cho họ. Trong khi đó, tổ chức tour diễn ở Việt Nam rất khó, do điểm biểu diễn vừa ít về số lượng vừa yếu về chất lượng, thường không đạt chuẩn về trang thiết bị âm thanh. Bản thân các nghệ sĩ trẻ Việt Nam cũng đang biểu diễn trong điều kiện âm thanh, ánh sáng không đạt tiêu chuẩn.

Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam Trần Ly Ly cho rằng, sự kiện nghệ thuật sẽ được tổ chức chuyên nghiệp khi được tạo ra bằng sự kết nối của nhiều bên: Nghệ sĩ tài năng, đối tác năng động, nhiệt huyết với nghệ thuật, cùng chung quyết tâm hướng tới một sản phẩm chất lượng... Chính chất lượng nghệ thuật của một sự kiện và giá trị mà nó mang lại là thước đo cho sự chuyên nghiệp của những người tổ chức, và quyết định uy tín, thương hiệu của sự kiện.

Thảo Nguyên