Thực tiễn đòi hỏi tăng đại biểu chuyên trách

- Thứ Hai, 17/02/2020, 07:48 - Chia sẻ
Tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là nội dung còn có ý kiến khác nhau tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Bên cạnh nhiều ý kiến tán thành quy định tỷ lệ ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội như hiện nay, cũng có không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên mức 37%, 40% hoặc cao hơn nữa.

Không giới hạn số lượng đại biểu chuyên trách

Tại Báo cáo các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, nhiều ý kiến tán thành giữ quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH như hiện nay. Nhưng cũng có không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên mức 37% hoặc 40% tổng số ĐBQH hoặc cao hơn nữa. Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng kinh nghiệm của các nước cho thấy, để Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, các Ủy ban phải thực sự là cơ quan hoạt động thường xuyên. Theo các ý kiến này, số lượng thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban không cần quá lớn mà chỉ khoảng 20 người nhưng toàn bộ số thành viên hoặc phần lớn phải là ĐBQH hoạt động chuyên trách. Như vậy, kết hợp với việc giảm tổng số ĐBQH như đề xuất ở phần trên thì tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách trong Quốc hội sẽ được nâng cao. 


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ảnh: Quang Khánh

Trước những ý kiến khác nhau này, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đề xuất hai phương án. Cụ thể, phương án một sẽ giữ quy định như hiện hành. Phương án hai, quy định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH (tương đương khoảng 200 đại biểu).

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, phương án thứ nhất vẫn bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với khả năng sắp xếp bố trí nhân sự và tình hình thực tiễn hiện nay. Quy định như Luật hiện hành cũng không hạn chế việc tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách trong các nhiệm kỳ tới. Tùy theo khả năng sắp xếp, bố trí nhân sự và cơ cấu tổ chức, yêu cầu công việc đối với từng nhiệm kỳ mà cấp có thẩm quyền sẽ quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách phù hợp. Cũng theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, việc đặt ra chỉ tiêu và mức tối thiểu cao hơn như phương án thứ hai sẽ tạo ra áp lực để các cơ quan có liên quan có cơ sở quy hoạch, chuẩn bị cán bộ, từ đó góp phần tăng được số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách trên thực tế, nâng cao tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, nếu sửa đổi Luật theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn trong khi các tiêu chuẩn, yêu cầu đối với người ứng cử ĐBQH để hoạt động chuyên trách vẫn giữ như hiện nay và chưa có sự tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào cũng như các giải pháp thực hiện cụ thể thì sẽ rất khó khả thi, đặc biệt là đối với việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV sắp tới, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực của Luật. Trong khi đó, quy định về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% như trong Luật hiện hành vẫn chưa được thực hiện đầy đủ trên thực tế.

Với những phân tích nêu trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đề nghị nên theo phương án một.

Hội đồng Dân tộc, các ủy ban sẽ “đều tay” hơn

Thảo luận tại Phiên họp thứ 42 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tổng số ĐBQH 500 người không phải là con số lớn. Các ĐBQH là người được cử tri bầu ra, nhận được sự tin tưởng, gửi gắm của cử tri và thực hiện trọng trách đại diện cho nhân dân. Song, với nhiệm vụ chính trị của mình, ĐBQH kiêm nhiệm phải hoàn thành nhiệm vụ ở các địa phương, bộ, ngành, khó tham gia hết các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đã thấy rõ sự cần thiết của việc tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, thậm chí cần nghiên cứu quy định tỷ lệ ĐBQH chuyên trách ít nhất từ 37 - 40% tổng số ĐBQH.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng tán thành với việc tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách; bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm đại biểu chuyên trách trong hoạt động Quốc hội và các cơ quan Quốc hội. Vì thực tế chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban chủ yếu nhìn vào đội ngũ này và nhìn vào từng kỳ họp cũng thấy chủ yếu là hoạt động của đại biểu chuyên trách. Cụ thể, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, tỷ lệ ĐBQH cần được nâng lên ít nhất 40% tổng số ĐBQH, góp phần tăng cường thêm cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, cũng như có biên chế giúp tăng cường thu hút nhân lực.

Từ thực tế hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ rõ, các chức danh Chủ tịch/ Chủ nhiệm, Phó chủ tịch/ Phó chủ nhiệm hay Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách thực chất đều là đại biểu chuyên trách. Trong cơ cấu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cần quy định các chức danh Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và Thường trực (hoặc nếu bỏ từ “Thường trực” sẽ giữ tên gọi là Ủy viên chuyên trách). Quy định như vậy sẽ giúp bảo đảm có chế độ như nhau giữa các đại biểu chuyên trách làm chuyên môn trong các cơ quan của Quốc hội, tăng cường thu hút các đại biểu về làm việc tại Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách khẳng định, nếu có quy định giúp tăng số lượng đại biểu chuyên trách, hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban sẽ đều tay, chắc hơn. “Không nên quá câu nệ vì tinh giản bộ máy sẽ giảm số lượng các đại biểu chuyên trách. Đây là những đại biểu chuyên nghiệp của Quốc hội nên có thể tăng lên đến con số 40%”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh. 

Thanh Hải