Góc nhìn

Thực sự quyết tâm không?

- Thứ Ba, 12/03/2019, 08:10 - Chia sẻ
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có kết luận thanh tra về nhiều sai phạm của 2 dự án khoa học - công nghệ (KH - CN) sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, thuộc Sở Khoa học - Công nghệ làm chủ đầu tư. Điều đáng nói là, thời điểm này ông Phạm Văn Sáng làm Giám đốc Sở KH - CN Đồng Nai đã để vợ mình góp vốn thành lập Công ty Trí Nguyễn - công ty thực hiện dự án do ông quản lý, trực tiếp chỉ đạo. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xử lý nghiêm trường hợp này để làm gương, ngăn chặn tình trạng “sân sau”.

Kết luận thanh tra xác định rõ, ông Phạm Văn Sáng, thời điểm làm Giám đốc Sở KH - CN Đồng Nai là người quản lý, chỉ đạo trực tiếp đối với Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai và hai dự án liên quan đến mô hình nghiên cứu, thực nghiệm, sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau hơn ba năm triển khai thực hiện dự án, hơn 28 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước có dấu hiệu bị một số doanh nghiệp, cá nhân chiếm dụng trái quy định. Kết luận thanh tra nêu rõ, Sở KH - CN Đồng Nai, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai và Công ty Trí Nguyễn cùng một số cá nhân khác có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định pháp luật ngay từ giai đoạn lập báo cáo về dự án, cũng như quá trình đầu tư tổ chức mua sắm thiết bị nhà màng không đúng quy định. Điều đáng nói là, trong cả 2 dự án nêu trên, ông Phạm Văn Sáng dù đang giữ chức vụ Giám đốc Sở KH - CN Đồng Nai, là người quản lý và chỉ đạo trực tiếp nhưng để Công ty Trí Nguyễn (có thành viên góp vốn là vợ mình) tham gia dự án là vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 37, Luật Phòng, chống tham nhũng, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp. Quy định của Luật đã rõ nhưng ông Sáng vẫn phớt lờ, cố tình vi phạm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp của vợ tham gia dự án. Với vi phạm này, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải được xử lý nghiêm để làm gương, một mặt nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, mặt khác để thực thi nghiêm quy định pháp luật về phòng, chống tham  nhũng.

Việc ông Sáng tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia đình thực hiện dự án mà mình quản lý được hiểu là một dạng của “sân sau”. Đây là tình trạng tiêu cực, gây bức xúc dư luận thời gian qua, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong đấu thầu, gây mất niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ rõ: Có tình trạng “sân trước, sân sau”, có người mười mấy “sân sau”. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng thẳng thắn: Vi phạm trong cổ phần hóa nhà, đất công là có sự tiếp tay của người có chức vụ, quyền hạn. Tham nhũng, sân sau, lợi ích nhóm, công ty gia đình đang dần lộ diện qua vụ việc vừa qua. Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị cần có giải pháp nhận diện để xử lý cho phù hợp với tình hình thực tế.

Việc chỉ ra những doanh nghiệp “sân sau” không phải là điều dễ dàng, bởi được ngụy trang tinh vi, có thể can thiệp bằng “chỉ đạo miệng” hay bằng việc góp vốn đầu tư “phi chính thức” của người có chức, có quyền. Để ngăn chặn tình trạng móc ngoặc công - tư này, ngoài cơ chế kiểm soát nội bộ, cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, đấu thầu. Đặc biệt, công tác đấu thầu cần thực hiện rộng rãi, công khai các công trình, dự án để tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp. Đồng thời, kiểm soát chặt những trường hợp chỉ định thầu, bởi đây chính là mảnh đất màu mỡ dễ phát sinh tiêu cực.

Cần nhấn mạnh rằng, quy định pháp luật để ngăn chặn “lợi ích nhóm”, “sân sau” không thiếu, quan trọng là chúng ta có thực sự quyết tâm làm hay không.

Lê Hùng