Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm

- Thứ Năm, 12/09/2019, 14:29 - Chia sẻ
Tiếp tục phiên họp sáng nay, 12.9, UBTVQH đã nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo về kết quả công tác.

Từng bước khắc phục đáng kể những trường hợp oan, sai

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong năm 2019, đã tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp; chỉ đạo toàn ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; đã thực hiện nghiêm các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp, yêu cầu của QH.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, trách nhiệm công tố được tăng cường ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện Kiểm sát theo luật định, nhất là những nhiệm vụ mới, quy định mới của pháp luật; gắn hoạt động công tố với hoạt động điều tra; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng cao, đảm bảo căn cứ và tính thuyết phục của quyết định truy tố,...

Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, các trường hợp oan sai giảm, việc bỏ lọt tội phạm từng bước được hạn chế (số người bị bắt, tạm giữ hình sự sau phải xử lý hành chính, trả tự do giảm 0,6%; số vụ án có sai sót, vi phạm phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm 0,6%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn vượt 9,9%, tỷ lệ truy tố đúng tội danh vượt 4,9% so với yêu cầu của QH; số bị cáo Tòa án tuyên không phạm tội giảm 50% so với năm 2018; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm vượt vượt 8,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội). Vai trò của hoạt động kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án hình sự ngày càng được khẳng định, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.


Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí phát biểu

Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, nhất là công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại, mặc dù khối lượng công việc tăng nhưng Viện kiểm sát các cấp đã có nhiều biện pháp làm tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên tại phiên tòa, nội dung phát biểu của Kiểm sát viên, đảm bảo đúng pháp luật; từng bước thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của Viện Kiểm sát theo quy định mới của các đạo luật tư pháp; kịp thời phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng; chú trọng tổng hợp nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm, tăng cường kiến nghị các cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa (số kiến nghị tăng 15,6%). Nhìn chung, công tác kiểm soát hoạt động tư pháp đã giúp từng bước khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm 2018 được Ủy ban Tư pháp thẩm tra, xác định; tiếp tục hoàn thành vượt các chi tiêu, nhiệm vụ được QH giao.

Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát đã có nhiều cố gắng để thực hiện đúng yêu cầu trong các nghị quyết QH và từng bước khắc phục đáng kể những trường hợp oan, sai. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng, so với yêu cầu thì còn một số hạn chế, thiếu sót, trong đó có việc còn để xảy ra 33 bị can phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm. Tiến độ giải quyết án của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có tăng nhưng chưa đạt chỉ tiêu của QH; số lượng kháng nghị trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại giảm so với năm 2018.

Năm 2020, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, ngành Kiểm sát sẽ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tập trung tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; nâng cao các chỉ tiêu nghiệp vụ, đặc biệt là chỉ tiêu theo yêu cầu của QH; giảm dần các trường hợp đình chỉ bị can do không phạm tội, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa; hoàn thành tốt chỉ tiêu kháng nghị và giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội

Trình bày báo cáo công tác, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong 10 tháng qua, về cơ bản, công tác của các Tòa án đã đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu mà các Nghị quyết của QH đề ra. Cụ thể, việc tranh tụng tại phiên toà được các Toà án tiếp tục triển khai sâu rộng theo hướng thực chất; đã phối hợp với Viện Kiểm sát các cấp tổ chức 8.099 “Phiên tòa rút kinh nghiệm”. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán là 1,1%, thấp hơn 0,4% so với chỉ tiêu QH đề ra.

Đồng thời, theo Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, việc khắc phục tình trạng lạm dụng các tình tiết giảm nhẹ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 63 của Quốc hội được các Tòa án thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, các Tòa án đã tăng cường, chủ động kiểm tra, rà soát để có biện pháp khắc phục và rút kinh nghiệm về những sai sót trong lĩnh vực này. Mặc dù số lượng án tăng 63.949 vụ so với năm trước nhưng hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật, chỉ còn 80 vụ án dân sự và hành chính để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Tòa án.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng thẳng thắn chỉ rõ: Tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao; còn có trường hợp áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chưa chính xác; xác định chưa đúng, chưa đầy đủ các thành phần tham gia tố tụng; cơ cấu đội ngũ công chức Tòa án nhân dân các cấp còn thiếu một số chức danh tư pháp; số lượng biên chế chưa đáp ứng yêu cầu so với cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, thẩm quyền của các Tòa án nhân dân; vẫn còn một số trường hợp cán bộ, công chức Tòa án vi phạm bị xử lý kỷ luật…

Trong năm 2020, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, ngành Tòa án sẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự. Tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp.

Để thực hiện các nhiệm vụ để ra, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị, QH, UBTVQH cho phép Tòa án Nhân dân Tối cao thực hiện thí điểm sáp nhập một số Tòa án Nhân dân cấp huyện tại một số tỉnh có đủ điều kiện theo Đề án được phê duyệt nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của việc tổ chức Tòa án Nhân dân cấp huyện hiện nay, bảo đảm việc tổ chức Tòa án Nhân dân cấp huyện tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ để Đề án “Cải tạo mở rộng trụ sở và trang bị nội thất phòng xét xử của các Tòa án theo yêu cầu mới của pháp luật tố tụng” và Đề án “Trang bị tài sản, phương tiện làm việc cho các Tòa án giai đoạn IV” sớm được phê duyệt để các Tòa án nhân dân có đủ nguồn lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Tin: Phương Thủy
Ảnh: Quang Khánh