Thực hiện tốt nguyên tắc phát triển bền vững kết hợp kinh tế - xã hội và môi trường

- Thứ Sáu, 01/11/2019, 07:53 - Chia sẻ
Phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận phiên họp toàn thể của QH về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Trong hai ngày thảo luận tại hội trường đã có 95 ĐBQH phát biểu, 5 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. Bộ trưởng các Bộ: Giao thông - Vận tải, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia phát biểu làm rõ một số vấn đề có liên quan. Do thời gian có hạn, còn 14 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu, đề nghị các đại biểu gửi ý kiến đã chuẩn bị về Ban Thư ký của QH để tổng hợp.


Ảnh: Lâm Hiển

Cơ sở quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016 - 2020

Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm. Đa số ĐBQH cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Các đại biểu cho rằng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và của các cấp chính quyền, sự giám sát chặt chẽ của QH và các cơ quan dân cử, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, năm 2019 đã đạt được kết quả khá toàn diện và tích cực. QH ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của QH về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, coi đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Các đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 và cho rằng, tăng trưởng kinh tế ước đạt và có thể cao hơn mức ước thực hiện của Chính phủ là 6,8%. Chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện, cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chuyển biến theo hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô xét trên các mặt như kiểm soát lạm phát, nợ công, cán cân xuất nhập khẩu và lao động, việc làm đều có kết quả khả quan, làm cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng thu ngân sách vượt dự toán là 3,3%. Chi cho đầu tư phát triển đạt tỷ trọng 26,6% tổng chi ngân sách nhà nước, bảo đảm chi cho giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, kỷ cương, kỷ luật tài chính được tăng cường. Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm bội chi ngân sách nhà nước và giảm tỷ lệ nợ công trên GDP, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ. Công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm, hoạt động đối ngoại có nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng chính quyền, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự xã hội có nhiều chuyển biến. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được nâng lên.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu song cần đánh giá thêm về tính bền vững và chất lượng tăng trưởng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng có chuyển biến song chưa rõ nét, chưa đi vào những khâu, những lĩnh vực mang tính cốt lõi. Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và xử lý các hạn chế yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhất là các đại dự án thua lỗ còn chậm. Quản lý hoạt động đầu tư của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cần tăng cường, doanh nghiệp tư nhân phát triển khá nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng, đất đai và các chính sách ưu đãi. Liên kết vùng, liên kết kinh tế, liên kết sản phẩm còn hạn chế.

Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn rất chậm, thiếu đồng bộ. Việc triển khai các công trình quan trọng quốc gia chưa đạt tiến độ đặt ra, hạ tầng giao thông ở các vùng, miền, hạ tầng đô thị, hạ tầng truyền tải, phân phối điện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đây vẫn là những nút thắt của nền kinh tế. Hoạt động dịch vụ du lịch chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh, việc quản lý và đầu tư cho lĩnh vực du lịch chưa mạnh mẽ.
Các đại biểu cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Đó là vấn đề quản lý đất đai và tình trạng đầu cơ đất đai. Thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vấn đề tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp, việc cung cấp thông tin về thị trường, về thời vụ cho người nông dân, chính sách hỗ trợ đóng tàu, đánh bắt cá xa bờ chưa phát huy được hiệu quả, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân tham gia chương trình. Các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí; phòng chống thiên tai, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, chống xâm ngập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt chưa thật hiệu quả. Vấn đề an ninh nguồn nước đang đặt ra các yêu cầu cấp bách. Tình trạng cháy rừng, phá rừng vẫn diễn ra phức tạp. Công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới còn có mặt chưa thật tốt. Đời sống một bộ phận nhân dân vẫn còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều vấn đề xã hội nảy sinh chưa được giải quyết một cách căn bản.

Các ĐBQH đều quan tâm đến vấn đề Biển Đông và cho rằng tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có việc tàu khảo sát HD8 của Trung Quốc vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước phù hợp với truyền thống hòa hiếu của cha ông trong dựng nước và giữ nước.

Tình hình an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra nhiều vụ trọng án. Tình trạng hoạt động mang tính chất xã hội đen vẫn còn xảy ra, xuất hiện nhiều vụ đánh bạc có tổ chức, xâm hại trẻ em, di dân bất hợp pháp, buôn bán và sử dụng ma túy, lao động trái pháp luật ở nước ngoài, công tác an ninh mạng chưa ngăn chặn được những thông tin xấu, độc. Có ý kiến cho rằng, phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Vấn đề tai nạn giao thông, phòng, chống cháy nổ, công tác quản lý hoạt động đối với người nước ngoài, nhất là liên quan đến vấn đề mua bán, chuyển nhượng đất đai còn diễn ra, chưa kiểm soát được. Công tác giải quyết khiếu nại, khiếu kiện đông người còn bất cập.

Về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 là tích cực. Có một số chuyển biến góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, truy thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, nhưng thu của 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI và ngoài Nhà nước chưa đạt được dự toán, tăng thu chủ yếu từ các nguồn khác.

Việc sửa đổi chính sách thu chưa thực sự kịp thời, có những khó khăn nhất định. Kỷ luật công vụ, kỷ luật tài chính ngân sách còn hạn chế. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, khoán kinh phí ở một số lĩnh vực dịch vụ công chưa thật tích cực. Việc tăng thu, tiết kiệm chi, ưu tiên vốn cho đầu tư phát triển còn có mặt hạn chế. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, chuyển nguồn ngày một lớn đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công.

Các ĐBQH rất quan tâm đến vấn đề phát triển và quản lý đô thị; vấn đề áp dụng công nghệ số, công nghệ mới vào sản xuất và đời sống; vấn đề cải cách hành chính, cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tư pháp; công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tích cực khắc phục tồn tại, bất cập, yếu kém

Các ĐBQH đề nghị phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, tinh giản bộ máy và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, tăng cường phân cấp cho địa phương. Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương cần tích cực khắc phục những tồn tại, bất cập, yếu kém trong thời gian tới.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, các ĐBQH cơ bản tán thành với Chính phủ và thống nhất cho rằng, năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 nên có ý nghĩa rất quan trọng.

Năm 2020, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn những khó khăn, thách thức tác động đến nền kinh tế. Đó là sức mạnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, độ mở lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều trở ngại. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chuyển biến chậm. Việc áp dụng công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin trong nền kinh tế số còn có mặt hạn chế, biến đổi khí hậu và thiên tai, tác động xấu của ô nhiễm môi trường tiếp tục là những thách thức đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Đa số các ĐBQH cơ bản thống nhất với những mục tiêu tổng quát, các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 như Báo cáo của Chính phủ. Có ý kiến cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,8% là khó khăn trong tình hình hiện nay. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cần đề ra mức độ tăng trưởng cao hơn. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ bám sát nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính, ngân sách quốc gia 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn theo các Nghị quyết của QH. Tiếp tục thực hiện mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng bền vững. Cần làm rõ bối cảnh, thách thức và có những giải pháp khắc phục, các thách thức có thể tác động đến tăng trưởng như là chiến tranh thương mại, an ninh phi truyền thống, tình hình diễn biến ở Biển Đông, biến đổi khí hậu... Và cần làm rõ căn cứ xác định các chỉ tiêu cụ thể về tăng trưởng GDP, nhập siêu, lao động và việc làm. Nhiều ý kiến đề nghị bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội và giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cùng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Tăng cường công tác xây dựng chính quyền và đổi mới hoạt động tư pháp.

Về các giải pháp thực hiện để hoàn thành kế hoạch năm 2019 và 2020, nhiều đại biểu thống nhất với các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như những tháng còn lại của năm 2019 và kế hoạch năm 2020 như Báo cáo của Chính phủ.

Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp sáng kiến để có thể thực hiện nhiệm vụ năm 2020, đồng thời đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tích cực xử lý các vướng mắc, hạn chế trong năm 2019, nhất là các vấn đề có liên quan đến chiến tranh thương mại, quan hệ kinh tế với một số nền kinh tế lớn, việc ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước, kiên quyết chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển giá, thao túng thị trường cạnh tranh không lành mạnh. Thực hiện tốt nguyên tắc phát triển bền vững kết hợp kinh tế - xã hội và môi trường. Cần quan tâm các biện pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2020 gắn với việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị đưa đất nước và một giai đoạn phát triển mới trong thập kỷ tới.

Ý kiến của các ĐBQH đã được Ban Thư ký Kỳ họp ghi âm, ghi chép đầy đủ. UBTVQH sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan của QH và các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết trình QH thông qua.

Lam Anh ghi