Thực hiện phương châm điều trị 4 tại chỗ

- Thứ Năm, 13/02/2020, 08:25 - Chia sẻ
Bộ Y tế đã hướng dẫn các bệnh viện chuẩn bị nguồn lực tùy mức độ của dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (nCoV), hướng dẫn 700 bệnh viện các tuyến cách lấy mẫu, bảo quản bệnh phẩm, đặc biệt là thực hiện phương châm điều trị 4 tại chỗ (quản lý, sàng lọc bệnh nhân từ tuyến xã và điều trị bệnh nhân nhẹ từ tuyến huyện). Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tại Hội nghị tập huấn về cách ly, điều trị ca bệnh nCoV vừa được Bộ Y tế tổ chức.

nCOV có cơ chế tấn công tương tự SARS

Theo nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương GS. Nguyễn Văn Kính, chủng mới của nCoV giống với virus Corona gây bệnh SARS đến 85% về bộ gens và cơ chế “tấn công” tương tự virus SARS. Virus này bề mặt mọc các chồi nhú với các gai bám dính vào tế bào phổi gây tổn thương phổi. Khi vào cơ thể, virus sẽ khống chế tế bào bạch cầu gây suy giảm miễn dịch khiến cơ thể suy yếu, nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn khác. Khoảng 30 - 50% có diễn biến phổi; 10% trong đó có viêm phổi nặng (phổi trắng xóa, suy hô hấp), biến chứng tổn thương gan gây rối loạn đông máu, suy gan, suy thận. Virus nCoV từ lúc vào cơ thể đến khi bài xuất ra ngoài cần 4 tuần.

Tuy nhiên, nhiễm virus nCoV không phải ai cũng có biểu hiện lâm sàng, có những bệnh nhân có thể không biểu hiện triệu chứng, có bệnh nhân có thể sốt nhẹ, ho nhẹ và rát họng, không tiến triển viêm phổi và thường tự hồi phục sau 1 tuần. Đơn cử như trường hợp bệnh nhân thứ 13 có kết quả xét nghiệm xác định dương tính tối ngày 7.2, trước đó không sốt, không ho, không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn nhiễm virus.

Theo các chuyên gia, khi ra môi trường, virus này rất dễ chết bởi tác động ánh sáng (tia cực tím), cồn, ê te, chất khử trùng có clo. Do đó, không nên quá sợ hãi với virus này mà bệnh nhân có thể tự khỏi sau 7 ngày đối với người khoẻ mạnh. Trên thực tế, 3 ca bệnh nhiễm virus nCoV được xuất viện ở Việt Nam, bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng, nâng đỡ thể trạng, không cần can thiệp đặc biệt. Các bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống, đi lại bình thường trong quá trình điều trị, cách ly.


Bảo đảm phương châm 4 tại chỗ trong điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus
Nguồn: ITN

Bảo đảm nguyên tắc điều trị bệnh

GS. Nguyễn Văn Kính cho hay, virus lây qua giọt bắn, rơi xuống đất sẽ nằm trên các mặt phẳng, đặc biệt mặt phẳng các kim loại trong môi trường lạnh, ẩm có thể sống được 1 - 3 ngày. Đó là đặc tính cần lưu ý để sát trùng trong bệnh viện tốt hơn đồng thời để cô lập dịch, các bệnh viện cần thực hiện  nguyên tắc 4 “tại chỗ”.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho hay, Bộ Y tế đã hướng dẫn các bệnh viện chuẩn bị nguồn lực tùy mức độ của dịch, hướng dẫn các bệnh viện các tuyến cách lấy mẫu, bảo quản mẫu... Đồng thời, việc điều trị bảo đảm phương châm 4 tại chỗ (quản lý, sàng lọc bệnh nhân từ tuyến xã và điều trị bệnh nhân nhẹ từ tuyến huyện) do nguồn lây từ khắp nơi, đối tượng nghi nhiễm đến từ nhiều nước.

Theo đó, nhân viên của trạm y tế xã đảm đương việc giám sát các trường hợp được cách ly tại cộng đồng. Ca bệnh thông thường được giám sát cách ly, điều trị tại trung tâm y tế huyện, nếu nặng hơn mới lên tuyến tỉnh và tùy diễn biến nặng hơn mới chuyển lên tuyến Trung ương. Đơn cử như giai đoạn bệnh nhẹ có thể giữ ngay tại huyện, như tại tâm dịch thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, các ca dương tính đều có sức khỏe ổn định, hiện đang được cách ly theo dõi sức khỏe, điều trị tại Trung tâm y tế huyện Tam Đảo và huyện Bình Xuyên, với sự hỗ trợ của tuyến trên, nếu trong trường hợp bệnh nặng hơn sẽ được chuyển lên bệnh viện tỉnh, nặng hơn nữa sẽ lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

“Việc tiếp nhận điều trị tại chỗ tránh xáo trộn và an toàn hơn nhiều cho các bệnh nhân khác và cộng đồng. Nếu phát hiện các ca bệnh ở các địa phương khác cũng nên xử lý tương tự, hạn chế việc di chuyển bệnh nhân để cắt đứt nguồn lây” - PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội nghị, Trưởng Khoa chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng cho biết, cùng với việc điều trị theo phương châm 4 tại chỗ, các bệnh viện cần lưu ý về thông khí tự nhiên tại buồng bệnh, có thể kết hợp thông khí cưỡng chế môi trường an toàn; bảo đảm khử khuẩn và thu gom dụng cụ chất thải, đồ vật y tế... Đặc biệt, khuyến cáo bệnh nhân về việc rửa tay xà phòng có thể phòng nhiễm khuẩn nCoV và phòng các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, sởi và giảm tử vong cho bệnh nhân. 

Minh Nhật