Thực hiện Luật Đầu tư công chưa nghiêm

- Chủ Nhật, 07/07/2019, 08:21 - Chia sẻ
Theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố, trong lĩnh vực đầu tư công vẫn “còn nhiều sai sót” như chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn khi quyết định đầu tư; xác định tổng mức đầu tư không chính xác… Trong đó, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng mắc sai sót như bố trí kế hoạch vốn chưa đúng thứ tự ưu tiên, vượt định mức hỗ trợ…

Nhiều sai sót

“Luật Đầu tư công được Quốc hội ban hành năm 2014 cơ bản đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế trước đây, góp phần tăng hiệu quả đầu tư, chống thất thoát. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán vẫn tiếp tục chỉ ra nhiều sai phạm, cho thấy trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chưa thật nghiêm túc”, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên nhìn nhận.

Minh chứng cho điều này, ông Tiên dẫn kết quả báo cáo của KTNN. Theo đó, còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh toán và quyết toán. Đặc biệt là việc chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn khi quyết định đầu tư; xác định tổng mức đầu tư không chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần... Qua kiểm toán 2.067 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 5.218 tỷ đồng.

Ngay tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư - với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công - công tác giao kế hoạch vốn cũng có nhiều sai phạm như giao nhiều lần trong năm. Đáng chú ý, năm 2017, cơ quan này đã giao tới 4 lần sau ngày 20.12.2016, chưa tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công. Đồng thời, chưa ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thành, các dự án đăng ký nhu cầu vốn hoàn ứng, dự án đăng ký nhu cầu vốn trả nợ.

Bên cạnh đó, việc bố trí vốn khởi công mới không phù hợp, không bảo đảm thứ tự ưu tiên. Cụ thể, 4 dự án của Bộ Giao thông - Vận tải gồm nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa - Tiểu dự án 3 (km53 - km109); Quốc lộ 30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279B, tỉnh Điện Biên; Quốc lộ 37 đoạn qua Thái Bình và cầu sông Hóa (trước mắt ưu tiên xây dựng cầu vượt sông Hóa) khởi công mới năm 2016 nhưng vốn giao trong trung hạn chỉ có 30 tỷ đồng mỗi dự án, nhỏ hơn nhiều tổng mức đầu tư, chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 77/2015/NĐ-CP về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm là “bố trí đủ vốn theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm đầu thực hiện dự án” (trong khi Bộ Giao thông - Vận tải còn nợ đọng xây dựng cơ bản và nợ ứng trước rất lớn). Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao kế hoạch vốn ngoài nước cho 4 Dự án đường cao tốc của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) 5.338 tỷ đồng không đúng Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18.11.2016 và Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9.11.2016 của Quốc hội.

Ngoài ra, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 phân bổ vốn cho 21 chương trình mục tiêu chỉ đạt 53,61%, so với tổng số vốn được xác định trong Nghị quyết 73/NQ-CP, thiếu 130.568 tỷ đồng dẫn đến gây áp lực cho ngân sách trong giai đoạn tiếp theo. Việc bố trí vốn cho Chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020 không phù hợp với thời gian thực hiện chương trình, đến nay mới bố trí vốn được 16% kế hoạch vốn của chương trình, có nguy cơ không đạt được các mục tiêu đề ra.


Vẫn còn nhiều sai phạm trong thực hiện Luật Đầu tư công 
Ảnh: Đan Thanh

Vẫn còn tư duy phân bổ vốn dàn trải

Vì sao Luật Đầu tư công 2014 đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhưng vẫn còn nhiều sai phạm trong thực hiện? Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho rằng, nguyên nhân trước tiên liên quan việc các bộ, ngành, địa phương xác định danh mục chưa chuẩn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định danh mục “chưa chi tiết, chưa đầy đủ nên đánh giá mức độ cần thiết bố trí vốn đầu tư công chưa bảo đảm”. Chưa kể, còn tình trạng chưa bố trí kế hoạch vốn của giai đoạn trước, không tiến hành rà soát cắt giảm, điều chỉnh mà vẫn đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn; chấp hành quy định pháp lý vẫn còn nhiều hạn chế về nguyên tắc, tiêu chí...

Một nguyên nhân nữa là nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn còn tư duy phân bổ vốn dàn trải, phân tán, dự kiến quá nhiều dự án. Chính vì thế, vấn đề thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan chức năng chưa được chi tiết, dẫn đến việc điều chỉnh vốn là không tránh khỏi. Ngoài ra, ở một số địa phương giải quyết tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng vốn và nhu cầu vốn vẫn chưa dứt điểm.

Không phân bổ vốn lắt nhắt

Trước tình trạng trên, KTNN đã đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp khắc phục. Cụ thể, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm việc chuyển đổi 4 dự án của VEC từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp; trong khi chưa được chấp thuận tiến hành các thủ tục điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của 4 dự án VEC hơn 22.000 tỷ đồng; thu hồi kế hoạch vốn đã giao cho 4 dự án VEC năm 2016 là 3.866 tỷ đồng, năm 2017 là 5.338 tỷ đồng và năm 2018 là 2.319 tỷ đồng. Đặc biệt, KTNN kiến nghị phải kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong vấn đề xác định cơ cấu nguồn vốn trong tổng mức đầu tư vượt tỷ lệ hỗ trợ quy định; không ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thành đăng ký kế hoạch vốn; chưa ưu tiên bố trí để thu hồi vốn ứng trước; giao kế hoạch vốn chậm, chưa phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiến hành đánh giá sơ kết các chương trình mục tiêu, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh một số nội dung, phạm vi tại các Quyết định phê duyệt chương trình nhằm phù hợp, đồng bộ với các nguyên tắc, tiêu chí đã được quy định tại Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội, tránh tình trạng kế hoạch, mục tiêu đặt ra mà bố trí vốn không đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, để khắc phục tình trạng giải ngân chậm, cần phân bổ vốn bảo đảm cho các bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt “chứ không thể điều chỉnh phân bổ vốn lắt nhắt trong năm rồi đến hết năm mới phân bổ, khiến chủ đầu tư, bộ, ngành, địa phương không kịp làm thủ tục vì mỗi thủ tục đầu tư công mất nhanh thì 3 tháng hoặc 6 tháng”, ông Đoàn Xuân Tiên nêu ý kiến.

Đan Thanh