Chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện

Thực hiện đúng, tuân thủ đầy đủ

- Thứ Năm, 26/03/2020, 07:11 - Chia sẻ
Để phòng tránh lây nhiễm, cần rà soát, chấn chỉnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, đặc biệt là những bệnh viện có bệnh nhân mắc Covid-19. Các nhân viên y tế cần thực hiện đúng, tuân thủ đầy đủ công tác chống nhiễm khuẩn. Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khi làm việc với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 mới đây.

Chủ động phòng, chống lây nhiễm

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương PGS.TS. Phạm Ngọc Thạch cho biết, bệnh viện đang điều trị cho gần 50 trường hợp, trong đó có cả người Việt Nam và người nước ngoài. Ngoài ra, bệnh viện cũng đang theo dõi, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với gần 400 trường hợp. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm hàng trăm bệnh nhân, khám cho nhiều bệnh nhân có dấu hiệu sốt, ho, khó thở... Chính vì vậy, để bảo đảm an toàn điều trị, bệnh viện đã phân luồng, sàng lọc, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm riêng, hướng dẫn nhân viên y tế sử dụng thiết bị bảo hộ, phòng lây nhiễm chéo.

Tuy nhiên, điều không mong muốn đã xảy ra là trường hợp bác sĩ của Khoa Cấp cứu, thường xuyên làm việc trong môi trường phòng áp lực âm, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nặng trong suốt 2 tháng, nên đã mắc Covid-19. Ngay sau khi trường hợp này dương tính với virus gây bệnh, tất cả các nhân viên của Khoa Cấp cứu gồm 28 người đã được làm các xét nghiệm cần thiết và cách ly ngay tại Khoa. Kết quả xét nghiệm lần đầu tiên cho thấy, tất cả đều âm tính.


Bảo đảm đủ vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch bệnh Nguồn: Bộ Y tế

Chia sẻ thêm về vấn đề này, các bác sĩ cho biết, nhiều người đã đặt ra câu hỏi là tại sao nhân viên y tế được trang bị rất kỹ lưỡng mà vẫn bị lây nhiễm. Song, thực tế, trong quá trình thao tác không phải lúc nào bảo đảm được hoàn toàn những điều kiện tốt nhất. Việc lây nhiễm có thể xảy ra khi bác sĩ làm thủ thuật rất gần với đường miệng, đường thở của bệnh nhân và đây là cơ hội để cho virus lây lan. Tuy nhiên, đây cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá giúp cho ngành y tế chấn chỉnh lại hoạt động thao tác, thủ thuật cũng như công tác chăm sóc, đặc biệt liên quan đến vấn đề bảo vệ cho cá nhân, bệnh viện và cộng đồng.

Đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của toàn thể bệnh viện trong công tác phòng chống dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, toàn thể ngành y tế luôn chia sẻ, thông cảm với những khó khăn, bất trắc và cả những rủi ro mà đội ngũ y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch đang phải đối diện. Mặc dù vậy, đội ngũ nhân viên y tế cũng cần chủ động hơn trong ngăn chặn lây nhiễm từ người bệnh; cần thực hiện đúng, tuân thủ về chống nhiễm khuẩn, vì trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu, các bệnh viện phải nghiêm khắc hơn nữa để thầy thuốc không bị lây nhiễm. Theo đó cần phải rà soát lại công tác nhiễm khuẩn bệnh viện, kiểm tra lại khu cách ly, việc sử dụng trang thiết bị, phương tiện phòng hộ khi khám, chữa bệnh... Nơi nào làm chưa đúng cần phê bình, rút kinh nghiệm nghiêm túc, để tránh những hậu quả không mong muốn.

Trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế

Để bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) PGS.TS. Lương Ngọc Khuê yêu cầu, bệnh viện rà soát lại toàn bộ công việc, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng nhân viên và rà soát lại nguồn trang thiết bị, kịp thời báo cáo Bộ Y tế để có giải pháp phù hợp. Bộ Y tế sẽ dành những nguồn lực tốt nhất cho công tác chống dịch của bệnh viện.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, ngành y tế đã lên phương án mua dự trữ trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết như hệ thống máy thở theo dõi người bệnh, đồ bảo hộ, kính che mặt. Tiểu ban hậu cần của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 đã có kế hoạch mua sắm đầy đủ với khoảng gần 4.000 máy thở. Bên cạnh đó, theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ tổ chức mua sắm khoảng 30 triệu khẩu trang, bảo đảm khẩu trang y tế cho tất cả các nhân viên y tế khi tiếp cận với các bệnh nhân. Đến nay, công việc sản xuất của các cơ sở khẩu trang cũng đã bắt đầu đi vào ổn định, nguồn nguyên liệu cũng đã được nhập về. Vì vậy trong thời gian tới, hoàn toàn có thể bảo đảm đủ khẩu trang y tế cho các nhân viên y tế.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Công thương đã có kế hoạch chỉ đạo các đơn vị sản xuất khẩu trang vải 3 lớp kháng khuẩn ngăn ngừa dịch bệnh nên người dân có thể yên tâm sử dụng khẩu trang vải đạt tiêu chuẩn. Trong thời điểm khó khăn này, nên nhường khẩu trang y tế cho nhân viên y tế trong công tác tiếp xúc, thu dung điều trị người bệnh sẽ an toàn cho nhân viên y tế hơn. Chính sự an toàn của nhân viên y tế giúp bảo đảm cho sự an toàn của cộng đồng.

Cùng với việc bảo đảm đủ vật tư, trang thiết bị, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, các bệnh viện cũng cần quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần của cán bộ y, bác sĩ, nhất là cần điều chuyển công việc để tránh một nhóm bác sĩ và nhân viên y tế bị quá tải. Bên cạnh đó, nhân viên y tế làm việc ở các khoa khám, chữa bệnh cho người mắc Covid-19 phải có chế độ cách ly sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Khi về nhà, các nhân viên y tế cần cố gắng thực hiện cách ly tại nơi lưu trú, tránh ra cộng đồng. Bởi đây có thể là nguồn bệnh mà chưa phát hiện ra.

Dương Cầm