Thực dụng và thận trọng

- Thứ Ba, 23/07/2019, 08:08 - Chia sẻ
Sau khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử cuối tháng 5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng thực dụng với Trung Quốc. Động thái này được đưa ra để phù hợp hơn với bối cảnh quan hệ Mỹ - Ấn đang gặp khó khăn trong khi nền kinh tế suy yếu.

Thay đổi theo thời gian

Theo East Asia Forum, trong giai đoạn từ tháng 5. 2014 - 8.2017, chính sách Trung Quốc của Thủ tướng Ấn Độ Modi tập trung xây dựng một liên minh cân bằng với Australia, Nhật Bản, Việt Nam và Mỹ, các quốc gia quân sự quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương (trừ Hàn Quốc). Thực ra, mục tiêu không phải xây dựng một liên minh, mà là tăng đòn bẩy ngoại giao Ấn Độ với Trung Quốc. Qua cách làm này, Thủ tướng Modi tránh không liên kết và ủng hộ sự lãnh đạo của ASEAN đối với an ninh châu Á.

Song song đó, chính quyền Delhi tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với đất nước gấu trúc thông qua hợp tác ra mắt Ngân hàng Phát triển mới của BRICS (NDB) và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), hứa hẹn phát triển hai khu công nghiệp cho các nhà đầu tư Trung Quốc và thúc đẩy mối quan hệ thương mại công bằng hơn. Tuy nhiên, quốc gia đông dân nhì thế giới vẫn tỏ ra thận trọng với lời mời tham gia sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc. Delhi lo rằng, BRI sẽ mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á và nếu trở thành thành viên Ấn Độ sẽ bị giảm quyền tự chủ chiến lược.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Modi đàm đạo tại Vũ Hán năm 2018

Tuy nhiên, đầu năm 2018, Ấn Độ đã thay đổi hướng đi. Sau Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vũ Hán, quan điểm về BRI của Ấn Độ đã mềm mỏng hơn. Tiếp đó, trong bài phát biểu tại Hội nghị Đối thoại Shangri La, Thủ tướng Modi khẳng định Ấn Độ - Thái Bình Dương không nhằm vào phản đối Trung Quốc.

Quan điểm thỏa hiệp của Thủ tướng Modi vẫn tiếp tục cho dù nó không mang lại nhiều lợi ích lớn cho Ấn Độ trong các mối quan hệ kinh tế. Chẳng hạn, NDB chưa tạo ra gì đáng kể ngoài việc nhân vật đứng đầu ngân hàng này là người Ấn Độ. Ngoài ra, mặc dù Ấn Độ là quốc gia được cấp khoản vay AIIB lớn nhất, nhưng với chỉ 1,5 tỷ USD khó có thể thay đổi luật chơi. Hai khu công nghiệp giả định vẫn đang phải vật lộn để ra mắt trong khi thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng vọt lên 70 tỷ USD.

Đảo ngược chiến lược

Vậy, điều gì đã khiến Ấn Độ đảo ngược chiến lược từ xây dựng liên minh đối trọng với Trung Quốc sang một tổ chức không liên kết lấy ASEAN làm trung tâm?

Nhiều nhà phân tích đã giải thích như sau: Thời điểm năm 2018, Ấn Độ chỉ còn một năm nữa là đến tổng tuyển cử. Trong khi đó, tại cuộc bầu cử quan trọng ở cấp bang, Đảng Quốc đại đối lập bất ngờ giành được 4 chiến thắng lớn. Thủ tướng Modi đã phải đối mặt với thử thách không nhỏ trong nước và sau cuộc đình chiến biên giới tại cao nguyên Doklam ở dãy Himalaya, Ấn Độ thấy rằng khó có thể đối đầu với Trung Quốc. Cao nguyên Doklam ở Bhutan trở thành điểm nóng khi cả Ấn Độ và Trung Quốc quyết triển khai quân để bảo vệ lợi ích của mình. Nó nằm tiếp giáp ngã ba biên giới giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan, là khu vực đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và Bhutan, hai quốc gia không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Ấn Độ ủng hộ nước láng giềng Bhutan trong vấn đề tranh chấp ở đây. Sau khủng hoảng Doklam, Trung Quốc đã mở rộng lực lượng quân sự và hoạt động trong khu vực. Do đó, bất kỳ cuộc đối đầu nào trong tương lai khó có thể được giải quyết theo hướng có lợi cho Ấn Độ.

Ở mặt trận khác, quan hệ của New Delhi với Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump đã xấu đi. Xứ sở cờ hoa đã giảm việc cấp thị thực H-1B cho công dân Ấn Độ trong khi cuộc chiến thương mại ngày càng diễn biến xấu. Mỹ nhấn mạnh Ấn Độ phải ngừng mua dầu của Iran và đe dọa cắt giảm hợp tác quân sự nếu Ấn Độ mua tên lửa S-400 của Nga.

Trong bối cảnh đó, chính sách Trung Quốc của Thủ tướng Modi ở nhiệm kỳ thứ hai sẽ là gì? Theo các nhà bình luận, nó có thể khó khăn hơn nhưng do những thách thức kinh tế của Ấn Độ vẫn còn đáng kể nên quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh sẽ rất nguy hiểm. Thật vậy, với tình hình kinh tế hiện nay cùng với chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở nước ngoài, New Delhi có động lực mạnh mẽ để thu hút các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc.

Về mặt quân sự, mặc dù biên giới với Trung Quốc yên tĩnh nhưng Ấn Độ vẫn phải công nhận quân đội Trung Quốc rất đáng gờm. Nếu một cuộc đụng độ khác với đất nước gấu trúc khiến quân đội Ấn Độ phải rút lui có thể khiến Thủ tướng Modi bị giảm uy tín thê thảm ngay trong nước. Do đó, duy trì hòa bình và ổn định dọc biên giới rất quan trọng.

Với Mỹ, các mối quan hệ dao động theo hình sin. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Modi với Tổng thống Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 2019 ở Osaka có vẻ thân mật, nhưng thực tế nó diễn ra sau một loạt bình luận hiếu chiến của ông chủ Nhà Trắng về thương mại với Ấn Độ trên Twitter. Quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn đang phát triển, nhưng các quan chức Washington tiếp tục khẳng định, động thái mua S-400 là không thể chấp nhận được. Ấn Độ là một phần của Đối thoại an ninh Tứ giác, nhưng nước này luôn nhấn mạnh sự khác biệt với quan niệm của Mỹ.

Nhìn về tương lai, có thể Ấn Độ vẫn tiếp tục hoài nghi về Trung Quốc. Những khác biệt quan điểm về Pakistan và tư cách thành viên của Nhóm Các nhà cung cấp hạt nhân của Ấn Độ sẽ còn tồn tại và New Delhi sẽ cảnh giác với ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Nam Á và Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Ấn Độ có khả năng sẽ áp dụng chính sách thực dụng về biên giới, xây dựng lòng tin và kinh tế. Trong khi vẫn tránh BRI, nước này sẽ tìm cách thu hút Trung Quốc trên các nền tảng khác. Chẳng hạn đối với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ và nội địa hóa dữ liệu, Ấn Độ sẽ hợp tác với Trung Quốc, Nga và các nước đang phát triển khác.

Về mặt khu vực, Ấn Độ sẽ nhấn mạnh tính trung tâm của ASEAN, hạ thấp Ấn Độ - Thái Bình Dương và ngừng ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông. ASEAN và các đối tác rất muốn ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay. Thủ tướng Modi phải đối mặt với quyết định khó khăn về việc có nên mạo hiểm hội nhập hơn với Trung Quốc hay từ chối thỏa thuận đó. Theo các nhà phân tích, nhiều khả năng New Delhi sẽ ký kết. Được biết, Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ thăm Ấn Độ để dự Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức thứ hai vào cuối năm nay, sau hội nghị đầu tiên ở Vũ Hán năm ngoái.

Nói tóm lại, chính sách Trung Quốc của Thủ tướng Modi có thể khá giống chủ nghĩa thực dụng thận trọng của các Chính phủ tiền nhiệm.

Ngọc Minh