Hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam

Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế

- Thứ Năm, 09/07/2020, 05:41 - Chia sẻ
Hiện, Việt Nam có trên 12.000 tiêu chuẩn chất lượng và hàng vạn tiêu chuẩn cơ sở, làm chuẩn mực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý. Với tỷ lệ hài hòa, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đạt gần 60%, hệ thống này đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa; tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam.

Phù hợp tiêu chuẩn quốc tế

Dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1041/QĐ-TTg ngày 1.7.2011. Một trong những mục tiêu quan trọng của Dự án là hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Thực tế đã cho thấy, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam và quy chuẩn Việt Nam theo hướng ưu tiên các sản phẩm hàng hóa chủ lực trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh hài hòa tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đã mang lại một sự thay đổi lớn trong công tác xây dựng nền tảng chất lượng cho hàng hóa Việt Nam. 

Bài học về tiêu chuẩn trong xuất khẩu cá da trơn luôn còn mới

Tiêu biểu, có thể kể đến một số kết quả tiêu biểu như Bộ TCVN 11041 về nông nghiệp hữu cơ; TCVN về sản phẩm dầu mỏ phục vụ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg; Quy chuẩn Việt Nam 2015 về xăng, nhiên liệu Diezen và nhiên liệu sinh học; các TCVN về hiệu suất năng lượng điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt, bóng đèn, động cơ điện, ô tô… theo Chính phủ quy định về danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện. Các TCVN về  đô thị thông minh, lưới điện thông minh, sản xuất thông minh theo Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 01.8.2018, các TCVN về an toàn điện phục vụ hài hòa tiêu chuẩn trong ASEAN...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Để có được kết quả này, Tổng cục đã và đang hướng dẫn, đôn đốc và phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia thực hiện (WTO, FTA…). Tổng cục cũng đã thẩm định, tiếp nhận và trình công bố 394 TCVN; thẩm định 75 dự thảo Quy chuẩn Việt Nam của các bộ, ngành xây dựng; góp ý 37 dự thảo Quy chuẩn Việt Nam của các bộ, ngành và 15 quy chuẩn địa phương. 

Tiếp tục rà soát chính sách

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ và nhiều hàng rào phi thuế quan như các biện pháp phòng vệ trong thương mại, các quy định về giữ gìn môi trường sinh thái, vệ sinh an toàn thực phẩm, về xuất xứ hàng hóa, yêu cầu về an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động… được dựng lên ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển kinh tế xanh, sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, các tiêu chuẩn cao được đặt ra, việc phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ở Việt Nam cần có các yêu cầu mới để đáp ứng sự phát triển bền vững.  

Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm thực thi có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, tận dụng cơ hội và phòng ngừa, giảm thiểu các thách thức do tranh chấp quốc tế, nhất là tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia có trọng tâm và trọng điểm, đáp ứng với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững,  bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia có thể phát huy hiệu quả cao nhất khi đưa vào áp dụng. 

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, để đáp ứng được các phương hướng nêu trên, cần phải nâng cao chất lượng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo các mục tiêu mở rộng độ bao quát của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm đáp ứng tốt hơn mục tiêu phát triển. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cần rà soát hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo đúng quy định, đảm bảo cập nhật với tiến bộ của khoa học - công nghệ và đáp ứng các yêu cầu Hiệp định EVFTA đang ngày càng cấp thiết.

Thực tế, việc tăng cường sự tham gia vào hoạt động của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu, đặc biệt là quốc tế hóa tiêu chuẩn (ISO) và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực điện - điện tử (IEC), việc phát triển các mối quan hệ song phương với các tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu của nước ngoài khác... sẽ tạo điều kiện để Tiêu chuẩn Việt Nam gần với chuẩn quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh.

 

                                                                                  Bài và ảnh: Từ Thức

BOX: Việt Nam cần triển khai quy hoạch, lập kế hoạch và tổ chức xây dựng một số nhóm tiêu chuẩn chiến lược phục vụ phát triển kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng (nhóm tiêu chuẩn trong lĩnh vực đô thị thông minh, tiết kiệm năng lượng, an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, áp dụng các hệ thống quản lý). Đối với các bộ, ngành khi xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia chuyên ngành cần phải bám sát vào các định hướng quy hoạch phát triển ngành mình. 

 

Từ Thức