KỲ HỌP THỨ 12, HĐND TỈNH HƯNG YÊN KHÓA XVI

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

- Thứ Hai, 13/07/2020, 06:41 - Chia sẻ
Nhận định những khó khăn, thách thức Hưng Yên sẽ phải đối mặt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, song với tinh thần và quyết tâm như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “khó khăn gấp đôi, phải cố gắng gấp ba”, các đại biểu đề nghị toàn tỉnh cần tiếp tục đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Tăng trưởng kinh tế đạt 6,83%

6 tháng đầu năm, cùng với cả nước, Hưng Yên triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phần lớn thời gian chịu tác động phức tạp, toàn diện và kéo dài khó lường của đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tương đối tích cực. Trong đó, tăng trưởng kinh tế (GRDP) có xu hướng phục hồi, đạt 6,83%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng đó là mức tăng trưởng cao hơn so với bình quân cả nước, đứng thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 4 toàn quốc.

Đại biểu phát biểu tại các tổ thảo luận

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng đề nghị các cấp, ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động lĩnh vực phụ trách. Trong đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, trước mắt là tiêu thụ quả nhãn; chú trọng đầu tư đồng bộ trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng và đời sống của người dân. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, dự án đầu tư; hỗ trợ người lao động mất việc làm và người nghèo, người yếu thế trong xã hội có cơ hội vươn lên.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong cơ cấu nền kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng trên địa bàn tăng 7,38%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.900 triệu USD, bằng 35,8% kế hoạch, giảm 15,4% so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt 6.611,8 tỷ đồng, bằng 44,5% kế hoạch. Bên cạnh đó, các hoạt động quản lý tài nguyên môi trường, ứng dụng KHCN được tăng cường; hệ thống hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư phát triển; cải cách hành chính có nhiều tiến bộ; trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu cho rằng, để đạt được kết quả này phải kể đến sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Qua đó, thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục các hoạt động phát triển kinh tế.

Theo Giám đốc Sở KH - ĐT Trịnh Văn Diễn, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt, một trong những nguyên nhân kinh tế của tỉnh ít bị ảnh hưởng so với các địa phương khác do Hưng Yên đã chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Tỉnh đã chọn địa bàn thôn để phòng chống dịch, các tổ công tác phòng chống dịch của các thôn đã đi từng nhà, rà từng ngõ để tuyên truyền triển khai các nội dung liên quan. Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế của tỉnh còn khá nhỏ, các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên ít chịu thiệt hại hơn các tỉnh có nhiều ngành nghề và các khu công nghiệp lớn. Trong đó, ngành dệt may vẫn giữ được nguyên liệu đầu vào và đã chuyển hướng từ may mặc sang may khẩu trang, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, được đánh giá chất lượng cao. Mặc dù dịch vụ và du lịch là những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất, nhưng Hưng Yên không có cảng biển, cảng hàng không, du lịch quy mô nhỏ nên mức độ thiệt hại cũng không đáng kể.

Đại biểu phát biểu tại các tổ thảo luận

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Bên cạnh những sắc màu sáng, bức tranh kinh tế toàn tỉnh nửa đầu năm vẫn xen lẫn một vài mảng màu xám khiến nhiều đại biểu không khỏi băn khoăn. Trong đó, công tác quản lý theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị và trật tự xây dựng, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp… còn bộc lộ những bất cập, hạn chế, nhất là sự phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ quan liên quan; việc tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư chuyển biến chậm; thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng vẫn là "điểm nghẽn" làm chậm tiến độ triển khai nhiều dự án…

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bùi Mạnh Hùng, công tác thu ngân sách của tỉnh những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia, dẫn đến ước hụt thu khoảng 600 tỷ đồng, không bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi trong dự toán năm. Đây là con số không nhỏ trong điều kiện Hưng Yên đang tự cân đối ngân sách và đã sử dụng hầu hết các nguồn lực tài chính của địa phương để xử lý hụt thu của các năm trước.

Để bảo đảm dự toán năm 2020, đại biểu Hùng đề nghị: thời gian tới, tỉnh cần tạo môi trường pháp lý thông thoáng, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư; ngành thuế sớm đưa ra các giải pháp tăng thu từ những ngành, lĩnh vực không ảnh hưởng bởi dịch bệnh để bù hụt thu từ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các biện pháp thu - chi ngân sách, đặc biệt là quản lý thuế, kiên quyết thu hồi nợ đọng thuế; rà soát, cắt giảm chi thường xuyên ở các cấp ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết trong dự toán năm; có phương án điều hành ngân sách trong trường hợp hụt thu ngân sách…

Theo một số đại biểu, Hưng Yên vốn là vùng đất màu mỡ, người dân năng động, chịu khó nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây ăn quả nên nhiều giống cây trồng đem lại năng suất, chất lượng cao, như: Vải lai, vải trứng, cam, nhãn... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để những sản phẩm có chất lượng này bán được giá cao, đem lại thu nhập tương ứng với sức lao động mà người nông dân bỏ ra? Đại biểu Trần Thị Tuyết Hương (TP Hưng Yên) đề nghị: Bên cạnh cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nhất là giống lúa có hiệu quả kinh tế, các giống cây ăn quả cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng ở từng địa phương, việc tăng cường quảng bá sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trên các nền tảng truyền thông điện tử để góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là rất cần thiết. Đồng thời, tập trung phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường.

HUYỀN LOAN