Thúc đẩy hiệu suất nghiên cứu khoa học

- Thứ Bảy, 14/09/2019, 08:12 - Chia sẻ
Theo kết quả xếp hạng đại học thế giới 2020 (World University Rankings 2020) của Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE), lần đầu tiên ĐHQG Hà Nội có mặt trong danh sách này, cùng với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 801 - 1.000 thế giới, ĐHQG TP Hồ Chí Minh ở nhóm 1.000+. Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, bảng xếp hạng của THE có một số tiêu chí hàm chứa độ thách thức cao hơn đối với giáo dục đại học Việt Nam nói chung, nên đây là sự ghi nhận nỗ lực và khẳng định vị trí của 3 cơ sở giáo dục đại học.

Định hướng và chiến lược phát triển đúng đắn

Năm nay, THE xếp hạng 1.395 cơ sở giáo dục đại học trên tổng số 1.820 cơ sở giáo dục đại học tham gia. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay trong quy mô xếp hạng đại học thế giới của THE. Các cơ sở giáo dục này thuộc 92 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải, so với Bảng xếp hạng các đại học thế giới của QS, Bảng xếp hạng của THE có một số tiêu chí hàm chứa độ thách thức cao hơn đối với giáo dục đại học Việt Nam nói chung. Cụ thể, đó là vấn đề về thu nhập thông qua hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức; quốc tế hóa trong nghiên cứu và đào tạo. Về tổng thể, THE đưa ra bộ tiêu chí để hướng đến đánh giá và xếp hạng các trường đại học có bản chất định hướng nghiên cứu, hoạt động với mô hình tự chủ cao, gắn kết chặt chẽ với cộng đồng, xã hội và doanh nghiệp. Mô hình đại học truyền thống, khép kín và đơn ngành thực sự rất khó “chen chân” vào hệ thống này.


Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội Ảnh: Vũ Tùng

“Có thể khẳng định những định hướng và chiến lược phát triển đúng đắn đã đem lại giá trị phát triển bền vững và vị thế xếp hạng quốc tế đáng khích lệ cho ĐHQG Hà Nội. Các chính sách và giải pháp trong tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo mà ĐHQG Hà Nội đang triển khai đã phát huy hiệu quả tốt, định hướng đại học nghiên cứu tiên tiến mà nhà trường đang theo đuổi là đúng đắn” - Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải khẳng định.

Ngoài hai cơ sở giáo dục đại học của Singapore có thứ hạng cao hơn hẳn, ĐHQG Singapore (thứ 25) và ĐH Công nghệ Nanyang (thứ 48), ĐHQG Hà Nội có lĩnh vực hợp tác quốc tế ở mức ngang các trường hàng đầu trong khu vực (ĐHQG Hà Nội đạt 47,4 điểm so với 46,1 điểm của ĐH Mahidol - thứ 601 - 800; 37,8 điểm của ĐH Chulalongkorn), chỉ số về trích dẫn cũng có khoảng cách không quá xa (đạt 38,8 điểm so với 45,2 điểm của ĐH Mahidol; 56,6 điểm của ĐH Malaya, trường có thứ hạng 301 - 350), thậm chí cao hơn khá nhiều so với ĐH Chulalongkorn, mức 22,2 điểm).

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải nhận định, điểm yếu nhất của ĐHQG Hà Nội có lẽ cũng là điểm yếu chung của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đó là hiệu suất nghiên cứu, đặc biệt là vấn đề thu nhập từ đào tạo và khoa học - công nghệ. Tiêu chí nghiên cứu của ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, và ĐHQG TP Hồ Chí Minh lần lượt là đạt 9,1 điểm, 8,4 điểm và 8,7 điểm. Trong khi đó các trường trong khu vực như ĐH Mahidol, Chulalongkorn, Malaya có lần lượt điểm nghiên cứu là 21, 21,7, và 30,5. “Điểm yếu này phải sớm được khắc phục”.

 Trong Bảng xếp hạng đại học thế giới 2020 của THE, ĐHQG Hà Nội có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu 3 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. ĐHQG TP Hồ Chí Minh đứng đầu về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp, trong khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất.

Đẩy mạnh hợp tác công bố khoa học

Để thăng hạng trong các bảng xếp hạng uy tín thời gian tới, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cho biết, về mặt hệ thống, ĐHQG Hà Nội tiếp tục kiên định thực hiện sứ mệnh trở thành đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo chất lượng cao, phục vụ hiệu quả và đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Quá trình phát triển bảo đảm thực hiện đúng sứ mệnh của một đại học: Đào tạo có chất lượng; nghiên cứu hiệu quả; phát triển cộng đồng bền vững. “Thời gian tới, ĐHQG Hà Nội sẽ triển khai những chính sách phù hợp để vừa có thể duy trì thế mạnh về nghiên cứu cơ bản; đồng thời thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng, xúc tiến chuyển giao các nghiên cứu ứng dụng ra toàn xã hội”.

Để vươn vào nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới, ĐHQG Hà Nội xác định, hiệu suất nghiên cứu khoa học phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Cụ thể, để tăng cường số trích dẫn và số lượng nghiên cứu, việc thúc đẩy hợp tác công bố khoa học trong nước và quốc tế phải trở thành văn hóa và nhu cầu tự thân của nhà khoa học. “Nhà khoa học phải xác định việc nghiên cứu không phải chỉ vì mình, phục vụ mình, mà hướng đến giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống và xã hội thì số lượng nghiên cứu mới có thể tăng lên, chỉ số trích dẫn mới có thể nhiều và việc chuyển giao mới có hiệu quả. Để lan tỏa triết lý này, ĐHQG Hà Nội đã thành lập và đưa vào hoạt động Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQG Hà Nội, tạo lập không gian học thuật sôi động, gắn kết và sáng tạo trong toàn ĐHQG Hà Nội” - Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

ĐHQG Hà Nội đang chủ trương và triển khai các hoạt động đổi mới giảng dạy, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm và mũi nhọn trong thời gian sắp tới. Theo đó, việc đổi mới giảng dạy dựa trên 3 yếu tố cốt lõi: Triết lý cá thể hóa giáo dục; nền tảng công nghệ thông tin và số hóa; hệ thống phương pháp và công nghệ giáo dục hiện đại. Tháng 7 vừa qua, ĐHQG Hà Nội đã cho ra mắt Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy. Trung tâm đang triển khai các hoạt động hỗ trợ giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng các công nghệ và phương pháp giảng dạy mới, tích hợp và truyền cảm hứng giảng dạy đến giảng viên, cảm hứng học tập đến sinh viên…

Hương Linh