Thúc đẩy giao thương gỗ dán trong bối cảnh đại dịch Covid - 19.

- Thứ Hai, 06/07/2020, 15:23 - Chia sẻ
Ngày 6.7, tại TP Hồ Chí Minh, các Hiệp hội gỗ, Tổ chức Forest Trends và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị: “Thúc đẩy giao thương gỗ dán và MDF Việt Nam cơ hội và thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid - 19”.
Thúc đẩy giao thương gỗ dán trong bối cảnh đại dịch Covid -19

 Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ đã chia sẻ và thảo luận Báo cáo “ Ngành công nghiệp gỗ dán Việt Nam: Định vị và giảm thiểu rủi ro để phát triền bền vững trong tương lai”. Theo thống kê của Hiệp hội gỗ và chế biến lâm sản Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu 893,4 nghìn m3 gỗ dán ứng với  286,87 triệu USD, tăng 14% về lượng so với cùng kỳ 2019. Cũng trong thời gian này Việt Nam đã nhập trên 163,6 nghìn m3 với 64,6 triệu USD. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối diện với rủi ro với mặt hàng này, khi ngày 9.6 vừa qua Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức đưa ra quyết định điều tra ngành gỗ dán của Việt Nam và trước đó là Hàn Quốc.

Báo cáo đã chỉ ra những vấn đề rủi ro nội tại từ nguồn cung nguyên liệu như: các quy định thuế giá trị giá tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với các tổ chức/cá nhân cung cấp nguyên liệu đầu vào cho đơn vị sản xuất gỗ dán là khác nhau, mà đa phần nguồn đầu vào phục vụ cho sản xuất gỗ dán được cung cấp từ các hộ gia đình, họ không có đủ năng lực để có thể thực hiện đúng các quy định này; rủi ro do sự mở rộng và đón nhận nguồn đầu tư nước ngoài... Đồng thời, Báo cáo cũng đã thảo luận về các biện pháp giảm thiểu rủi ro từ các sáng kiến của doanh nghiệp và đưa ra các kiến nghị chính sách nhằm góp phần giúp ngành phát triển bền vững trong tương lai. 

Nhiều cảnh báo về rủi ro thương mại đã được nhóm nghiên cứu đưa ra

Thực tế, nhằm giảm rủi ro gây ra bởi các vụ kiện, thời gian vừa qua Chính phủ đã đưa một số cơ chế, chính sách quan trọng. Cụ thể, Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 4.7.2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý các mặt hàng tiềm ẩn rủi ro, bao gồm mặt hàng gỗ dán được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Thủ tướng cũng yêu cầu xem xét các dự án đầu tư mới vào ngành. Trong bối cảnh ngành gỗ, từ năm 2018 đến nay, Hiệp hội gỗ và chế biến lâm sản Việt Nam,  Forest Trends cũng đã đưa ra một loạt các cảnh báo về rủi ro trong gian lận thương mại và đầu tư, bao gồm cả về mặt hàng gỗ dán.

Nguyễn Minh