Thúc đẩy chuyển dịch đất đai, cách nào?

- Thứ Sáu, 09/08/2019, 07:48 - Chia sẻ
Quá trình chuyển dịch đất đai ở nước ta có nhiều bất cập và chậm hơn kế hoạch, gây cản trở kinh tế - xã hội phát triển. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học “Quan điểm định hướng, các giải pháp hoàn thiện công cụ kinh tế thúc đẩy chuyển dịch đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 8.8.

Chuyển dịch chậm

Theo TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM, chuyển dịch đất đai chính là việc bố trí nguồn lực mặt bằng, địa bàn của các dự án. Giai đoạn 2005 - 2016, chuyển dịch đất đai là một nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế. Trong đó, các xu hướng chuyển dịch chủ yếu từ nhóm chưa sử dụng sang mục đích sử dụng khác và từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp dịch vụ, đất đô thị và đất nông nghiệp quy mô nhỏ sang đất nông nghiệp tập trung.


Toàn cảnh hội thảo

Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch đất đai vẫn chậm hơn so với kế hoạch đề ra, Phó Viện trưởng CIEM nhận xét. Mặc dù quy hoạch với vai trò hết sức quan trọng là cơ sở đầu tiên để đất đai có thể chuyển dịch và kế hoạch là cơ sở để đất đai chuyển dịch trong năm nhưng tỷ lệ biết thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của người dân ở nơi cư trú chỉ đạt gần 69%. Ở khâu quy hoạch, việc lấy ý kiến của nhân dân chưa thực sự được chú trọng; tình trạng quy hoạch treo còn phổ biến. Ngay cả quy hoạch các khu công nghiệp cũng không dựa trên nhu cầu và tiềm năng phát triển khiến tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn thấp. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, công tác quản trị tài nguyên kém khiến tăng trưởng kinh tế chậm. Hiện có nhiều địa phương sử dụng tài nguyên lãng phí, không hiệu quả.

Để thị trường điều chỉnh

Tại hội thảo, nhiều ý kiến nhấn mạnh, trong đổi mới mô hình tăng trưởng - yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả, hiệu suất quản lý sử dụng đất đai là một trọng tâm. Có như vậy nguồn lực đất đai mới được sử dụng tốt nhất cho phát triển đất nước. Theo ông Đặng Hùng Võ, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng, đất đai còn làm tăng nguồn lực tài chính thông qua các cơ chế vốn hóa đất đai hiệu quả. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 phải trên tinh thần chủ đạo là đất đai phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng.

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ PGS. TS Trần Quốc Toản cho rằng, sự vận động, chuyển dịch đất đai sẽ cần có thể chế. Để hoàn thiện thể chế thị trường đất đai Việt Nam theo hướng hiện đại, minh bạch và hiệu quả, cần nhận thức rõ bản chất của quan hệ đất đai vận động trong cơ chế thị trường đó là sự vận động của giá trị đất gắn liền với giá trị sử dụng đất trong cơ chế thị trường. Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm túc việc định kỳ tổng kiểm kê quỹ đất và việc sử dụng đất trên toàn quốc.

Thực tế cho thấy, thể chế quản lý đất đai ngày càng được hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, các quy định về chức năng của Nhà nước với đất đai vẫn còn chung chung, chưa phân định rõ ràng chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu. Các chính sách cho thuê, thế chấp, thuế sử dụng đất, bồi thường tái định cư đối với người bị thu hồi đất chưa rõ ràng… Đặc biệt công tác quy hoạch mang tính hành chính, thiếu tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Công tác quản lý đất đai và gắn với tài sản công trên đất còn yếu kém. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm của các đơn vị quản lý đất đai… Để tránh tình trạng vừa “đá bóng vừa thổi còi”, TS. Trần Tú Cường, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, cần có hệ thống chế định cụ thể chức năng, quyền hạn và nghĩa vụ của Nhà nước đối với đất đai. Các chuyên gia cũng nhất trí cho rằng, muốn sử dụng đất đai hiệu quả thì phải tuân theo cơ chế thị trường. 

Bài và ảnh: Đức Hiệp