Góc nhìn

Thuận tiện và nguy cơ

- Thứ Hai, 15/07/2019, 08:04 - Chia sẻ
Tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm quản lý chặt, hiệu quả hoạt động quảng cáo, giao dịch điện tử, mua bán thực phẩm trên mạng theo phương thức bán hàng đa cấp là kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm mới đây. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong 6 tháng cuối năm cần tăng 10% số cơ sở được kiểm tra, thanh tra so với 6 tháng đầu năm 2019.

Có thể thấy xu hướng mua thực phẩm chế biến sẵn qua mạng xã hội đang nở rộ như “nấm sau mưa”. Những giao dịch này không chỉ thu hút giới trẻ mà cả những bà nội trợ kỹ tính hay nhiều cán bộ, công nhân viên chức vì muốn tiết kiệm thời gian. Các loại thực phẩm từ đồ tươi sống, đến đóng hộp, chế biến sẵn, chế biến theo yêu cầu hay những món ăn vặt đủ loại… đều có thể mua bán dễ dàng trên mạng. Chỉ cần lướt smartphone, dạo qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo và các sàn thương mại điện tử người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy các mặt hàng thực phẩm đa dạng và chỉ cần nhấn nút lựa chọn, giá cả, địa chỉ, thời gian cần mang tới coi như xong xuôi một “buổi chợ”.

Không thể phủ nhận loại hình mua bán trên mạng cực kỳ thuận tiện và là cơ hội phát triển kinh doanh cho nhiều người. Trên thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống truyền thống cũng đã tích cực tham gia bán hàng qua mạng… Tuy nhiên, đối với thực phẩm - loại hàng hóa cần có kiểm soát đặc biệt, chặt chẽ, thường xuyên từ nguyên liệu, phụ gia đến các điều kiện chế biến, bảo quản, vệ sinh… thì việc mua bán trên mạng không được kiểm soát, tiềm ẩn không ít nguy cơ, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe và sinh mạng người tiêu dùng.

Ngay ở Hà Nội, qua kiểm tra thực tế một số địa chỉ kinh doanh thực phẩm sạch nhỏ lẻ, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, cũng như chất lượng hàng hóa chưa bảo đảm được tiêu chí sạch, an toàn thực phẩm. Mặt khác, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, chưa có cơ sở nào kinh doanh dịch vụ ăn uống qua mạng xã hội gửi hồ sơ để Chi cục thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây có thể xem là lỗ hổng lớn trong quản lý an toàn thực phẩm thông qua việc mua bán trên mạng.

Việc mua bán thực phẩm trên mạng tràn lan không được kiểm soát chặt chẽ rõ ràng có trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp. Việc quản lý an toàn thực phẩm thời Công nghiệp 4.0 không đơn giản chỉ có lực lượng quản lý thị trường ở thực địa mà cần có sự vào cuộc của các cơ quan liên quan. Đặc biệt là sự trợ giúp của ngành thông tin truyền thông. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung siết chặt việc mở các trang quảng cáo, mua bán thực phẩm, đồng thời có giải pháp hữu hiệu quản lý việc sử dụng các trang thông tin điện tử quảng cáo, mua bán thực phẩm không đúng quy định.

Tuy nhiên, cái khó là kết hợp sự phát hiện của cơ quan thông tin - truyền thông với việc xử lý của cơ quan y tế, công thương và chính quyền các cấp. Nếu các vi phạm này không được xử lý công khai, kịp thời… thì tình trạng này vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức và không chỉ làm mất an toàn thực phẩm mà còn dễ dàng trốn thuế, lách thuế, làm thực phẩm giả hay hàng kém chất lượng đội lốt thương hiệu tồn tại dài dài…

Thanh Hà