Di sản của Shinzo Abe

Thuận lợi và gian nan cho người kế nhiệm

- Thứ Hai, 14/09/2020, 06:38 - Chia sẻ
Mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố từ chức từ tháng trước, nhưng ông đã để lại di sản chính sách đối ngoại và an ninh khá đồ sộ cho Nhật Bản trong bối cảnh đảng LDP cầm quyền đang chuẩn bị chọn người kế nhiệm ông vào hôm nay (14.9).

Thành quả lớn…

Theo Giáo sư thỉnh giảng Kazuhiko Togo tại Đại học Kyoto Sangyo, đặc trưng trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe nằm ở cam kết đối với một số vấn đề ưu tiên hàng đầu, đưa ra quyết định cân bằng dựa trên tư vấn và khả năng rèn giũa trước những quyết định khó khăn và gây tranh cãi.

Nguồn: ITN

Trong bài viết trên EAF, ông Kazuhiko đánh giá liên minh Mỹ - Nhật là lĩnh vực chính sách đầu tiên mà Thủ tướng Abe đạt được thành công nổi bật. Sau khi thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia năm 2013, Chính phủ đã làm việc trong hai năm liền để giải thích lại “điều khoản hòa bình” của Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) chiến đấu cùng quân đội Mỹ. Cách giải thích này dựa trên sự thừa nhận hạn chế về quyền tự vệ tập thể trong những tình huống mà các mối đe dọa chống Mỹ trở thành mối đe dọa đối với sự tồn vong của Nhật Bản.

Thủ tướng Shinzo Abe từng thăm Mỹ tháng 4.2015 và có bài phát biểu lịch sử trước Quốc hội Mỹ, nơi ông bày tỏ sự “hối tiếc sâu sắc” về hành động của Nhật Bản với các nước láng giềng châu Á, cũng như những người lính Mỹ trong Thế chiến II. “Lịch sử rất khắc nghiệt. Cái gì đã làm không thể sửa lại được. Từ sâu thẳm trong tim, tôi luôn nguyện cầu cho các nạn nhân. Tôi xin được thay mặt cho đất nước và người dân Nhật Bản bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc tới toàn bộ người Mỹ đã thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2”, ông Abe nhấn mạnh. Sau đó, các nhà lãnh đạo Nhật - Mỹ tiếp tục thực hiện một loạt chuyến đi mang tính biểu tượng như chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Hiroshima và chuyến đi của Thủ tướng Abe tới Trân Châu Cảng năm 2016.

Thực tế, ông Abe đã hiện thực hóa những thành tựu trên trước khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Ngoài việc tạo dựng mối quan hệ Abe - Trump, nhà lãnh đạo này có thể lập luận rằng Nhật Bản không còn là quốc gia “chỉ biết ngồi không” và đã sẵn sàng hành động phản ứng sáng tạo hơn. Lập luận đó được hỗ trợ thêm bởi Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của nước này.

Chính sách Trung Quốc của Nhật Bản được coi là thành công thứ hai của Thủ tướng Abe. Ông đã chuyển đổi mối quan hệ từ đối kháng sang tình bạn mà không khiêu khích Mỹ. Sau khi LDP nắm quyền thay cho đảng Dân chủ, Thủ tướng Abe đã phải đối mặt với tình huống được coi là vô cùng khó khăn ở quần đảo Senkaku, nơi Trung Quốc bắt đầu gửi tàu tuần duyên để nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền (quần đảo trên được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Chính sách ban đầu của Thủ tướng Abe là răn đe, tăng cường sức mạnh cho SDF trên biển và cảnh sát biển Nhật Bản với chiến lược phòng thủ các đảo mới, hàm ý quần đảo Senkaku.

Đối thoại ban đầu diễn ra dè dặt. Cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào tháng 10.2014 trong hoàn cảnh cực kỳ băng giá, và bầu không khí lạnh lẽo kéo dài đến tận tháng 5.2017. Sau đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã gửi thông điệp tới Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ sự quan tâm của mình về hợp tác với Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Chiến lược mới đó đã phát huy hiệu quả khi Trung Quốc đáp lại bằng chính sách tăng cường đối thoại được phát triển năm 2018 với chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Tokyo vào tháng 5 và chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe tới Bắc Kinh vào tháng 10. Năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka. Tiếp đó dự kiến là chuyến thăm song phương đầu tiên của nhà lãnh đạo này tới Nhật Bản tháng 4.2020, nhưng đã bị hủy vì đại dịch Covid-19.

Lĩnh vực thứ ba mà Thủ tướng Abe đạt được một số thành công nhất định là hòa giải của Nhật Bản với châu Á. Tháng 8.2015, nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ra tuyên bố, phần lớn phù hợp với tuyên bố của cựu Thủ tướng Tomiichi Murayama năm 1995, xin lỗi về những vi phạm thời chiến của Nhật Bản. Cuối năm 2015, ông đạt được thỏa thuận với Chính phủ Hàn Quốc về vấn đề phụ nữ bị ép “mua vui” thời chiến.

… nhưng khó khăn không nhỏ

Mặc dù trong thời gian phục vụ đất nước với cương vị Thủ tướng, ông Abe đã gặt hái được nhiều thành tựu mà giới quan sát đánh giá là khá thành công trong lĩnh vực đối ngoại và an ninh. Nhưng vẫn còn có nhiều vấn đề khó khăn mà nhà lãnh đạo này chưa có cách giải quyết được thỏa đáng.

Có ba vấn đề mà Thủ tướng Shinzo Abe từng nêu rõ trong cuộc họp báo hôm 28.8, đó là các cơ hội bị bỏ lỡ như sửa đổi Hiến pháp, vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc từ thập niên 1970, 1980 với Triều Tiên và hiệp ước hòa bình với Nga.

Thực tế, đây là những vấn đề khó khăn đối với Thủ tướng Abe. Sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản là mục tiêu lớn, nhưng phản ứng về chủ nghĩa hòa bình ở Nhật Bản rất mạnh mẽ, khiến cho đề xuất sửa đổi của ông không đi xa hơn việc công nhận rõ ràng tính hợp hiến của SDF. Dẫu vậy, vấn đề nhạy cảm nhất về quyền tự vệ tập thể (mặc dù ở hình thức hạn chế) đã được giải quyết.

Trong khi đó, chính sách Triều Tiên của chính quyền Tokyo, vốn nhanh chóng thích ứng với cách tiếp cận phi truyền thống của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tỏ ra đủ linh hoạt và sáng tạo. Sau Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un lần thứ hai, Thủ tướng Abe tuyên bố “sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết”, nhưng kết quả của các cuộc đàm phán hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh Abe - Kim vẫn chưa được tiết lộ công khai. Các nhà phân tích cho rằng, có lẽ quyền lực thuyết phục của Nhật Bản có hạn, nên Thủ tướng Abe không có nhiều đòn bẩy để thúc đẩy Chủ tịch Kim Jong-un về vấn đề bắt cóc con tin.

Trong khi đó, ông Abe là Thủ tướng Nhật Bản thời hậu chiến kiên quyết nhất trong nỗ lực không ngừng nhằm tìm ra đột phá thực sự cho mối quan hệ Nhật - Nga. Cách tiếp cận của ông thiên về tổng thể, tìm kiếm tiến bộ trên cả các vấn đề kinh tế và lãnh thổ, sẵn sàng cho một cuộc đối thoại an ninh tăng cường. Nhưng sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore tháng 11.2018, Nga đã lùi lại khiến các cuộc đàm phán bị tê liệt.

Ngoài ra, người ngoài cũng không rõ Tokyo đã đàm phán như thế nào hoặc phối hợp hiệu quả với Washington ra sao. Nhưng Thủ tướng Abe tỏ ra tiếc nuối khi quan điểm đàm phán của ông có thể không mạnh như mong muốn.

Chính vì thế, đối với bất kỳ ai kế nhiệm Thủ tướng Abe, đối phó với đại dịch Covid-19 và điều hướng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, các nhà bình luận cho rằng, với mức độ quan trọng của những nhiệm vụ này, ba “vấn đề chưa được giải quyết” của ông Abe có thể nằm trong chương trình nghị sự của tân Thủ tướng mặc dù khó có nhiều kỳ vọng về tiến độ.

Thất bại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe có lẽ là Hàn Quốc. Sau phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc về lao động cưỡng bức vào tháng 10.2018, đồng thời Nhật Bản áp đặt các hạn chế thương mại đối với Hàn Quốc vào tháng 6.2019, quan hệ chính trị song phương nhanh chóng tan vỡ và khó có triển vọng phục hồi. Vì vậy, đây cũng sẽ là nhiệm vụ cần lưu tâm đặc biệt đối với người kế nhiệm.

Ngọc Minh