Vai trò của Thư viện Quốc hội

Thư viện Quốc hội khởi nguồn từ đâu?

- Thứ Sáu, 30/08/2013, 08:52 - Chia sẻ
Ở nhiều nước Thư viện Quốc hội cũng có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, trong đó, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ là thư viện có lịch sử lâu đời nhất. Cho đến nay, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã trở thành thư viện lớn nhất trên thế giới, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội Hoa Kỳ cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học của các đất nước Hoa Kỳ.

Thư viện Quốc hội Mỹ ra đời ngày 24.4.1800, khi Tổng thống John Adams ký quyết định dời Chính phủ từ Philadelphia về thủ đô mới Washington. Năm 1953, một đạo luật được thông qua xác định nhiệm vụ của Thư viện là tập trung nhiều hơn vào công cuộc nghiên cứu hỗ trợ cho Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội, và đổi tên Vụ Tham khảo Lập pháp thành Cơ quan dịch vụ nghiên cứu của Quốc hội. Vị trí của Thư viện đã thay đổi, lớn mạnh nhiều đến nỗi tờ New York Times (1987) đã đưa ra nhận xét, có lẽ Thư viện Quốc hội là định chế “hàng đầu trong giới trí thức trên toàn quốc”.

Năm 1991, các thành tựu kỹ thuật mới và Internet bắt đầu được sử dụng để nối kết Thư viện với các định chế giáo dục trên toàn quốc. Sự kết thúc Chiến tranh lạnh cũng giúp Thư viện phát triển quan hệ với các nước Đông Âu, và giúp thành lập các Thư viện Quốc hội tại những quốc gia này. Cuối tháng 11.2005, Thư viện công bố đề án thành lập Thư viện Số Thế giới, sử dụng kỹ thuật số lưu trữ sách và các tư liệu khác từ tất cả nền văn hóa trên khắp thế giới.


Thư viện nghị viện Canada
Với sự thành công của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, mô hình này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia khác với tính chất như là cơ quan hỗ trợ hữu hiệu cho hoạt động của các cơ quan lập pháp trong bối cảnh các cơ quan lập pháp thường ở trong tình trạng bất cân xứng về thông tin với nhánh hành pháp.

Trong những thư viện Quốc hội nổi tiếng được thành lập về sau có những thư viện có quy mô rất lớn như Thư viện Quốc hội Nhật Bản, Thư viện Quốc hội Hàn Quốc, Thư viện Quốc hội Hạ viện Liên bang Đức... với bộ sưu tập lên đến hàng triệu đầu tài liệu và quy mô nhân viên làm việc rất lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những Thư viện Quốc hội được thành lập với quy mô nhỏ, phù hợp với quy mô và nhu cầu của Quốc hội nước mình. Chẳng hạn, như ở Burundi, Thư viện Quốc hội ở đây chỉ có 50 đầu sách dưới sự vận hành của 1 chuyên viên.

Cho đến thời điểm hiện nay, Thư viện Quốc hội đã được thành lập ở đa số các nước trên thế giới. Theo một nghiên cứu vào năm 1998 thì “phần lớn cơ quan lập pháp đều có Thư viện Quốc hội để hỗ trợ cho mình trong việc thu thập và sử dụng thông tin trong quá trình thảo luận”. Theo thống kê của Thư viện Quốc hội Liên bang Đức vào năm 2010 thì cho đến nay có 193 Quốc hội các nước trên thế giới thành lập thư viện Quốc hội.

 Hiệp hội Thư viện Quốc hội châu Á - Thái Bình dương

Hiệp hội Thư viện Quốc hội châu Á - Thái Bình dương (APLAP) là một tổ chức quốc tế trong khu vực, với mục đích thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa các thư viện Quốc hội ở khu vực châu Á - Thái Bình dương, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động tổ chức, hệ thống thông tin và dịch vụ nghiên cứu của giữa các thư viện Quốc hội hiện đại. Ý tưởng về tổ chức chuyên nghiệp và thú vị này được khởi xướng tại Hội thảo của Ban Thư viện và dịch vụ nghiên cứu nghị viện thuộc Liên đoàn quốc tế các hiệp hội thư viện (IFLA) tại Sydney, Australia năm 1988. Phù hợp với chủ đề của Hội thảo, các đại biểu từ các Quốc hội châu Á và Thái Bình dương đã quyết định thành lập APLAP để giúp thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa họ.

 Hội nghị năm nay của Ban Thư viện và dịch vụ nghiên cứu nghị viện thuộc IFLA được tổ chức tại một nước Đông Nam Á nên đây cũng là dịp để APLAP tổ chức hội nghị thường kỳ của mình. Nội dung của hội nghị APLAP năm nay tập trung vào việc củng cố tổ chức và xây dựng kế hoạch hoạt động trong những năm tới. Tại Hội nghị, bà Dianne Heriot, Giám đốc Thư viện Quốc hội Australia đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch APLAP trong nhiệm kỳ tới. Dự kiến Hội nghị tiếp theo của Ban Thư viện và dịch vụ nghiên cứu nghị viện năm 2014 sẽ được tổ chức tại Cộng hòa Pháp vào dịp mùa thu năm sau.

Hồng Hà