Các Mẹ là tấm gương sáng ngời Chủ nghĩa anh hùng cách mạng!

- Thứ Bảy, 25/07/2020, 17:41 - Chia sẻ
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020” sáng 25.7 tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên 300 Mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện cho gần 5.000 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống hội ngộ tại Thủ đô Hà Nội. Chương trình do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng gửi lời chúc sức khỏe, lời tri ân sâu sắc và quà tới các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt

Tham dự buổi gặp mặt có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; lãnh đạo Quốc hội và các bộ ngành, địa phương.

Văn nghệ chào mừng

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng 139.275 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó tỉnh Quảng Nam có số lượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng và truy tặng là 15.261 mẹ, Bến Tre 6.905 mẹ, Quảng Ngãi 6.802, Hà Nội 6.723 mẹ. Cùng với các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội cũng đã dành sự quan tâm, tri ân đặc biệt tới các gia đình người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Đến nay 4.962 mẹ còn sống đều được các tổ chức, doanh nghiệp và gia đình chăm sóc, phụng dưỡng. Về dự cuộc gặp mặt này, đa phần các mẹ đều đã cao tuổi. 4 mẹ trên 100 tuổi, mẹ cao tuổi nhất là mẹ Nguyễn Thị Đỗ, Quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, năm nay mẹ 104 tuổi.  98 mẹ trên 90 tuổi, 133 mẹ trên 80 tuổi, 11 mẹ là người dân tộc thiểu số…

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng dự buổi gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc. Thủ tướng nhấn mạnh, dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt nhưng các mẹ của chúng ta đã không quản ngại đường sá xa xôi về Hà Nội để tham dự hoạt động có ý nghĩa này.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng

Thủ tướng cho biết, đến nay 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và xác định được danh tính; nhiều trường hợp chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi... Đây là những nỗi trăn trở, day dứt khôn nguôi.

 Các Mẹ Việt Nam anh hùng tại buổi gặp mặt

Để tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung quyết liệt thực hiện công tác xác nhận người có công, giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công; các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan, các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước cùng chung tay thực hiện một số nhiệm vụ: Các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các địa phương thực hiện phụng dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho các mẹ Việt Nam anh hùng ở mức tốt nhất; quan tâm hơn nữa đến những người có công khác có hoàn cảnh khó khăn.

 Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt

 Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ mộ liệt sĩ. Bố trí tăng ngân sách nhà nước với việc đẩy mạnh huy động đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc huy động quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ, hỗ trợ cải thiện nhà ở xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng... Nâng cao chất lượng các phong trào, các chính sách hậu phương quân đội, các chương trình tình nghĩa phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý uống nước nhớ nguồn... Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và toàn dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng; thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và thực hiện; thường xuyên quan tâm nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người có công, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan bảo đảm quyền lợi người có công. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc thực hiện chính sách đối với người có công.

Tin và ảnh: Thái Bình