Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai năm học mới 2019 - 2020

- Thứ Ba, 06/08/2019, 19:55 - Chia sẻ
Sáng 6.8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tham dự đông đủ, thể hiện sự quan tâm đến giáo dục và đào tạo (GD - ĐT).


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020

Thủ tướng nhấn mạnh, lịch sử và kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, không có kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt nào về xã hội diễn ra mà không gắn với những đột phá về GD - ĐT. Muốn tạo chuyển biến của đất nước, phát triển của ngành và địa phương một cách bền vững thì GD - ĐT mang yếu tố là quốc sách hàng đầu. Mặc dù có nhiều thách thức, điều đáng mừng là ngành GD - ĐT đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng năm nay đã nề nếp hơn, chất lượng hơn năm ngoái. Nước ta đã phổ cập giáo dục đến 5 tuổi, đạt tỷ lệ 99,98% trong tổng số 1,7 triệu trẻ em 5 tuổi đến trường. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đều tăng. Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐH được vào danh sách 1.000 ĐH hàng đầu thế giới, 7 ĐH được vào danh sách các ĐH hàng đầu châu Á. Cơ sở vật chất của ngành được bổ sung với trên 5.000 phòng học, 38 công trình nước sạch, 60.000 nhà vệ sinh được xây dựng. Việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới là một điểm nhấn trong năm nay. Một số “vùng trũng” về giáo dục nay đã vươn mình, chuyển biến tốt hơn.

Thủ tướng cũng chỉ ra một số yếu kém, tồn tại cần khắc phục như công tác rà soát, sắp xếp hệ thống trường học còn kém, còn tình trạng thừa thiếu trường lớp, học sinh phải đi học xa nhà. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất dành cho trường học, nhất là hệ mầm non trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên mầm non là trở ngại đối với sự phát triển bền vững của ngành giáo dục. Nhiều địa phương chỉ bố trí giáo viên theo định mức quy định, dẫn đến quá tải.

Thủ tướng cũng trăn trở về tình trạng giáo dục đạo đức lối sống chưa đúng mức, giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thực thành còn hạn chế nên một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, lối sống gây bức xúc xã hội.

Nêu định hướng thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị việc đầu tiên liên quan tới địa phương là yêu cầu bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, nhất là hệ thống trường mẫu giáo, mầm non hiện nay đang thiếu nghiêm trọng. Các địa phương giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay. Cùng với đó là, đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, tập trung vào các trường trọng điểm, còn các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho các địa phương; các trường phải đào tạo sinh viên ra trường trở thành những nhà giáo dục chứ không chỉ là những thầy dạy.

Nhấn mạnh các cơ sở giáo dục ĐH phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để bảo đảm chất lượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Tiếp tục rà soát, tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học, tránh tình trạng quá nhiều nhân viên y tế, bảo vệ, kế toán… Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị có trách nhiệm cùng nhà trường giải quyết các vấn đề đạo đức trong và ngoài trường học trên địa bàn như bạo lực học đường, an toàn giao thông, bán hàng quán trước cổng trường, tệ nạn xã hội…

Thủ tướng yêu cầu, trong năm học 2019 - 2020, phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên. Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm của toàn xã hội mà Nhà trường đóng vai trò trung tâm. Thầy cô gương mẫu là tấm gương đạo đức quý báu nhất để học sinh noi theo. Các tổ chức quần chúng có trách nhiệm cùng nhà trường và gia đình để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên.

Yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thủ tướng nêu rõ, tình trạng thiếu nguồn nhân lực qua đào tạo, nhất là nhân lực hoạt động trong các ngành kinh tế mũi nhọn phải được khắc phục sớm hơn trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế số hiện nay.

Thủ tướng đề nghị Bộ GD - ĐT ban hành cơ chế, chính sách cho các trường ĐH thực hiện tự chủ, trong đó cần bảo đảm vai trò hội đồng trường phải thực sự đúng thẩm quyền, đúng quy định. Cần xây dựng cơ chế chặt chẽ, phù hợp, không phải vì tự chủ mà bị thị trường chi phối, bỏ qua những nguyên lý giáo dục mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

“Chúng ta phải có sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa để GD - ĐT đóng góp vào sự phát triển bền vững, đột phá của đất nước”, Thủ tướng nói. Nhấn mạnh điều này, Thủ tướng cũng nêu rõ tinh thần Chính phủ bứt phá, ngành giáo dục phải bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.

Minh Vân